Giảm tần suất tai nạn lao động từ 5-7%
Trong năm 2020, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu tiếp tục giảm tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) từ 5-7%; đồng thời tăng cường thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại doanh nghiệp…
Để hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra, Cục An toàn lao động sẽ tiếp tục triển khai Bộ Luật lao động, Luật ATVSLĐ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng thời đổi mới hoạt động của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ theo hướng tăng cường đối thoại theo chuyên đề đối với doanh nghiệp; chú ý phát hiện các mô hình, điển hình tốt để biểu dương, nhân rộng và khen thưởng doanh nghiệp có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN).
Thực tế thời gian qua, cùng với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương thì những nỗ lực của doanh nghiệp trong cả nước đã góp phần giúp công tác ATVSLĐ đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, so với giai đoạn 2011- 2015, trong 4 năm 2016- 2019 tần suất TNLĐ chết người trên cả nước đã giảm 10,77%.
Theo báo cáo kết quả việc triển khai Dự án 3 (2016 - 2019) “Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động”, cho thấy, đối với năm 2016, do chương trình mới được triển khai nên tần suất tai nạn chết người tăng 15,45% so với năm 2015, nhưng vẫn giảm 5,55% theo xu hướng chung; đến năm 2018, khi chương trình triển khai mạnh, tần suất TNLĐ giảm rõ rệt, bình quân 9,27% so với 2011-2015.
Về tần suất TNLĐ chết người, bao gồm cả khu vực có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và không tham gia BHXH giảm 18,1%. Việc giảm mạnh hơn khu vực tham gia BHXH chủ yếu là do ý thức người lao động khu vực sản xuất nhỏ ngày một nâng cao.
Về kết quả hỗ trợ thí điểm các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ ước tính hết năm 2019 đạt 105% kế hoạch đề ra. Tổng số doanh nghiệp hưởng ứng và được hỗ trợ là 2.500, nâng tổng số doanh nghiệp áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ trên toàn quốc lên hơn 12.000 doanh nghiệp.
Trước những kết quả tích cực đã đạt được, trong năm 2020, mục tiêu của dự án 3 là ngăn chặn và giảm trên 6% tần suất tai TNLĐ chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao; tăng thêm hơn 150 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả các mô hình quản lý công tác ATVSLĐ; ít nhất 40 doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001:2018; hỗ trợ huấn luyện về ATVSLĐ cho hơn 25.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, hơn 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, 12.000 người làm công tác ATVSLĐ, 2.200 người làm công tác y tế lao động và 1.800 an toàn, vệ sinh viên tại các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ phổ biến thông tin phù hợp về ATVSLĐ đến 60 làng nghề, 150 hợp tác xã có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN.
Nhằm phát huy hiệu quả phòng ngừa TNLĐ, BNN, dự kiến trong năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng dự thảo mở rộng nội dung hỗ trợ, nâng mức bồi thường trợ cấp; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN sang khu vực không có quan hệ lao động, trình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời yêu cầu các cấp, ngành tích cực sử dụng hiệu quả nguồn tối đa 10% từ nguồn thu Bảo hiểm TNLĐ, BNN hàng năm (500 tỷ mỗi năm) để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc, thực hiện chế độ, chính sách TNLĐ, BNN tại các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến giải quyết đóng, hưởng chế độ TNLĐ, BNN, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Đồng thời, hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ.
Theo Cục trưởng Cục An toàn lao động - TS. Hà Tất Thắng, việc hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ là hoạt động quan trọng trong phòng ngừa TNLĐ, BNN. Bởi vì khi người lao động được huấn luyện ATVSLĐ theo đúng các quy định của Luật ATVSLĐ, Nghị định 44/2016/NĐ-CP và huấn luyện các giải pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, họ sẽ hiểu các rủi ro, biết cách phòng tránh nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ, BNN với họ. Biết bảo vệ mình và đồng đội xung quanh, đem lại hạnh phúc cho gia đình của họ khi không xảy ra TNLĐ, BNN. Tránh được TNLĐ, BNN là tránh được mất đi sức khỏe, tính mạng; giảm chi phí, thiệt hại cho doanh nghiệp...
Tính riêng trong năm 2019, Trung tâm huấn luyện ATVSLĐ (Cục An toàn lao động) đã tổ chức huấn luyện, đào tạo theo chức năng cho 3.260 lớp, với 104.648 lượt học viên, trong đó: số lớp tăng 200%, số học viên tăng 171% so với năm 2018. Huấn luyện ATVSLĐ theo đặt hàng của Cục An toàn lao động 15 lớp, với 600 học viên là đối tượng không có quan hệ lao động; đối tượng có quan hệ lao động là người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt 23 lớp, với 920 học viên.