Giảm thiểu tối đa các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp
(Tài chính) Ngày 18/11, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phối hợp với Phòng Thương mại châu Á tổ chức Hội thảo về Sổ tạm quản và Công ước Istanbul về chế độ tạm quản, tại Hà Nội. Mục đích nhằm giúp các doanh nghiệp nhận diện những biện pháp nghiệp vụ hải quan tiên tiến, hiểu rõ hơn về chế độ tạm quản và Công ước Istanbul – công cụ tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại.
Phát biểu tại Lễ khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Vũ Ngọc Anh cho biết: Trong thực tiễn thương mại, không chỉ có việc xuất khẩu, nhập khẩu đơn thuần mà còn có hình thức nhập khẩu trong một thời gian ngắn rồi lại xuất khẩu hoặc xuất khẩu rồi lại tái nhập khẩu. Thương mại quốc tế ngày càng phát triển, nhu cầu tạm nhập tái xuất hàng hóa ngày càng lớn đặc biệt là hàng hóa phục vụ hội chợ, triển lãm, quảng cáo… Để đáp ứng nhu cầu này, hải quan các nước trên thế giới đã hình thành một hệ thống quản lý hải quan có tên gọi chế độ tạm quản hàng hóa để xử lý hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập qua một hoặc nhiều quốc gia.
Nội dung của chế độ tạm quản hàng hóa là hàng hóa được phép tạm nhập vào hoặc tạm xuất ra khỏi một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định với điều kiện chủ hàng tạm nhập hoặc tạm xuất phải đảm bảo tái xuất hoặc tái nhập trong khoảng thời gian nhất định, đồng thời phải chấp hành các quy định quản lý của các nước mà hàng hóa đi và đến.
Chế độ tạm quản cho phép giảm thiểu tối đa các thủ tục liên quan khi xuất nhập khẩu (khai báo, nộp, hoàn thuế, xử lý giấy phép) vì các yêu cầu này đã được thực hiện từ trước tại quốc gia của chủ hàng thông qua việc sử dụng sổ tạm quản. Đây là một trong những biện pháp nghiệp vụ hải quan tiên tiến nhằm mục đích tạo thuận lợi tối đa cho một số hoạt động thương mại nhất (hàng triển lãm, hội chợ, phục vụ các sự kiện, đồ dùng nghề nghiệp).
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và đặc biệt năm 2015, Việt Nam và các nước ASEAN sẽ hiện thực hóa cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Sự hình thành của AEC sẽ dẫn đến sự gia tăng hơn nữa khối lượng thương mại, đầu tư quốc tế, tăng cường trao đổi văn hóa, du lịch trong nội khối ASEAN. Mà trong đó, Hải quan đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới của mỗi quốc gia.
Đáp ứng yêu cầu hội nhập, hiện Hải quan Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều công cụ tạo thuận lợi thương mại như: Áp dụng hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), bước đầu triển khai cơ chế một cửa quốc gia, tích hợp một số bộ, ngành liên quan trong thủ tục thông quan tại biên giới, xây dựng Luật Hải quan mới nội luật hóa các chuẩn mực quản lý hải quan điện tử. “Dưới góc độ cơ quan chủ trì nghiên cứu việc gia nhập Công ước Istanbul, Tổng cục Hải quan nhận thấy việc gia nhập Công ước sẽ là một công cụ tạo thuận lợi thương mại đối với Việt Nam, hướng tới cân bằng giữa kiểm soát tốt và tạo thuận lợi cho giao thương thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch quốc tế. Việc tham gia chế độ tạm quản theo chuẩn mực quốc tế cũng là một trong các khuyến nghị của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) mà các thành viên của WTO có nghĩa vụ thực hiện”, ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Sổ tạm quản và việc gia nhập Công ước Istanbul, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hệ thống Sổ tạm quản ATA là hộ chiếu quốc tế cho hàng hóa. Nó là chứng từ hải quan quốc tế được phát hành bởi Phòng Thương mại có thẩm quyền nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tạm quản hàng hóa qua một hoặc một số quốc gia được miễn thuế nhập khẩu, thuế, các khoản thuế và thủ tục hải quan. Sổ tạm quản ATA đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với thuế nhập khẩu/các khoản thuế/phí đối với một số lượng lớn hàng hóa di chuyển qua một quốc gia nước ngoài là thành viên của Chuỗi bảo lãnh quốc tế ATA. Sổ tạm quản được sử dụng cho các nhóm hàng: Các trang thiết bị phục vụ cho triển lãm, vật liệu quảng cáo, hàng mẫu, thiết bị chuyên ngành. Sử dụng Sổ tạm quản ATA cho phép những hàng hóa này được miễn thuế nhập khẩu với điều kiện hàng hóa đó hàn toàn được tái xuất hoặc tái nhập đúng thời gian cơ quan hải quan đã quy định đối với thời gian tạm nhập tái xuất…
Với bề dày kiến thức và kinh nghiệm của mình, bà Lee Ju Song, Giám đốc Phòng Thương mại châu Á, chuyên gia cao cấp về tạm quản hàng hóa đã dành thời gian và trí tuệ để truyền tải, chia sẻ kinh nghiệm quý báu về chế độ tạm quản hàng hóa quốc tế theo Công ước Istanbul cho các đại biểu tham dự hội thảo. Trên cơ sở đó, bà Lee Ju Song cũng đã tham mưu về khả năng gia nhập Công ước Istalbul của Việt Nam.