Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu: Giải pháp thiết thực để phục hồi kinh tế
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Việc tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2024 sẽ góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được áp dụng từ ngày 1/4/2022. Hiện, mức thuế này vẫn đang được giảm 50%, tương ứng 2.000 đồng/lít (trừ etanol) và 1.000 đồng/lít dầu diesel. Tuy nhiên, chính sách trên sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Để tránh ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết năm 2024.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024 như mức thuế quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, xăng, trừ etanol: 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn: 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa: 600 đồng/lít.
Với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 dự kiến tương đương năm 2023, Bộ Tài chính ước tính, tổng ngân sách nhà nước giảm thu 42.822 tỷ đồng (gồm hơn 38.900 tỷ đồng giảm thuế bảo vệ môi trường và hơn 3.900 tỷ đồng giảm thuế giá trị gia tăng).
Dù giảm thu ngân sách, song Bộ Tài chính đánh giá, đây là chính sách cần thiết trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới diễn biễn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sự ổn định kinh tế - xã hội cũng như tác động đến thị trường trong nước. Đồng thời, sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như giao thông - vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt...
Có thể thấy, việc thực hiện các chính sách về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn; giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng, nguyên liệu sử dụng để sản xuất xăng trong thời gian qua và trong năm 2023 đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế tác động của việc tăng giá xăng dầu trên thị trường quốc tế đến giá xăng dầu trong nước. Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước trong việc tiếp cận nguồn cung xăng dầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng khác của Nhà nước.
Nhận xét về chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải đánh giá cao sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải chạy chuyến Hà Nội - Phú Thọ cho biết, thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao và diễn biến bất thường khiến chi phí vận hành tăng cao. Có những thời điểm doanh nghiệp phải tăng giá cước vận chuyển. Điều này đã khiến giảm một lượng khách hàng không nhỏ do họ tìm đến những phương tiện vận chuyển rẻ hơn. Tuy nhiên, nhờ việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường đã khiến giá xăng, dầu được điều chỉnh. Chính vì vậy, doanh nghiệp này cũng đã nhanh chóng hạ giá thành dịch vụ để giữ chân khách hàng, nhờ đó, mới đảm bảo việc vận hành ổn định.
Trước những tác động của việc giảm thuế trong thời gian qua, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu năm 2024 là cần thiết, bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong xã hội. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có công văn gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.
Theo cơ quan này, sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và một số chuyên gia, VCCI đồng tình với nội dung của dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2024.
VCCI đánh giá, việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 là một giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.