Các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu có trong cơ cấu giá cơ sở
Hiện nay, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu có trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) (không có quy định về thu phí, lệ phí đối với xăng dầu).
Đối với thuế nhập khẩu
Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA)
Thực hiện theo các cam kết quốc tế, trong khuôn khổ một số FTA, mức thuế suất FTA với xăng dầu đang thực hiện ở Việt Nam đối với xăng là 5% tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), 8% tại Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), và 0% đối với dầu, đảm bảo theo đúng cam kết cắt giảm thuế theo các FTA.
Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN)
Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ quy định mức thuế suất MFN đối với xăng là 10%; đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%.
Bộ Tài chính cho biết, so với trước đây, từ khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức hoạt động, cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước thì tỷ trọng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu đã giảm đáng kể.
Xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu đến từ các quốc gia đã ký kết các hiệp định thành lập khu vực mậu dịch tự do với nước ta (Hàn Quốc, các nước ASEAN...) theo mức thuế suất thuế FTA, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế. Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu theo mức thuế suất MFN của nước ta hiện nay là không đáng kể.
Đối với thuế TTĐB
Theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Việc quy định mức thuế suất thuế TTĐB thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Đối với thuế GTGT
Pháp luật thuế GTGT không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà chỉ quy định áp dụng thuế GTGT theo hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT với 3 mức thuế suất
Trong đó, quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại.
Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế GTGT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Đối với thuế BVMT
Thuế BVMT là sắc thuế gián thu đánh vào các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Mục đích của chính sách thuế BVMT là nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.
Tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế BVMT giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào Biểu khung thuế để quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hoá chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc mức thuế đối với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hoá.
Căn cứ nguyên tắc điều chỉnh mức thuế BVMT tại Luật thuế BVMT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với hàng hóa chịu thuế, trong đó mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn hiện đang thực hiện theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 (áp dụng từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023).
Từ ngày 01/01/2024, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn quay lại thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về bằng mức trần trong Biểu khung thuế.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, việc sử dụng công cụ điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được xem là công cụ thuế khả thi và có hiệu quả nhằm góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh để ổn định kinh tế vĩ mô và thực tế cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn áp dụng trong thời gian qua để phù hợp với diễn giá xăng dầu trong từng giai đoạn.