Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu ở Lạng Sơn
Cứ đến thời điểm cuối năm, nhất là dịp áp Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu lại "nóng" trên tuyến biên giới Lạng Sơn. Các lực lượng chống buôn lậu đang “gồng mình” nhưng hàng lậu vẫn len lỏi vào nội địa bằng nhiều cách.
Đặc biệt là việc các chủ hàng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cư dân vùng biên giới để thuê người dân xách hàng vào nội địa đang gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong chống buôn lậu.
Hiệu quả từ hàng rào và lán dã chiến
Nhằm ngăn chặn hiệu quả việc buôn lậu qua biên giới, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn như Bộ đội Biên phòng, Hải Quan đã dựng lán, trại ngay sát đường biên để chốt chặn; các đường mòn lối mở đều được sử dụng dây thép gai, cột gỗ để rào chắn. Như đường mòn biên giới thuộc thôn Nà Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình thuộc đồn Biên phòng Chi Ma.
Đây từng là điểm nóng về việc đưa gia cầm lậu vào nội địa nhưng trong thời gian vừa qua, do việc lập lán trực 24/24 giờ cùng với việc rào chắn đường bằng các cọc gỗ nên không còn tình trạng người dân xách hàng qua đây. Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy, Đồn phó Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết: Trong những năm qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp; tuy nhiên trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo về công tác đấu tranh chống buôn lậu, đơn vị đã triển khai 4 lán chốt chặn tại các điểm xung yếu; rào chắn toàn bộ các đường mòn, lối tắt nên tình trạng người dân lợi dụng xách hàng lậu không còn.
Tương tự, khu vực đường mòn 386, đường dẫn lên thác Đầu Lâu, thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, nơi đây trước kia được coi là "thánh địa" của hàng lậu bởi địa hình hiểm trở nên các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa bàn này để làm nơi chuyển hàng qua biên giới.
Ông Trịnh Văn Quý, Phó trưởng Chi cục Hải Quan Cốc Nam, Lạng Sơn cho biết: Hai bên cánh gà cửa khẩu rất nhiều đường mòn, lối tắt nên người dân thường lợi dụng mang vác hàng, đặc biệt là các khe núi ở đây. Tuy địa hình hiểm trở, hẻo lánh nhưng người dân thuộc làu làu vì đây là vườn, rừng của bà con nên việc chốt chặn rất khó khăn.
Chi cục đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tiến hành lập lán dã chiến, có chỗ địa bàn hiểm trở quá không lập được lán thì mắc võng chốt chặn; tiến hành rào bằng dây thép gai tất các các đường khe, núi hiểm trở, phát quang tầm nhìn nên thời gian vừa qua tình hình buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép qua đây đã giảm hẳn.
Theo lực lượng chống buôn lậu tỉnh Lạng Sơn, hiện các đường ngang ngõ tắt dọc tuyến biên giới, đặc biệt là những điểm nóng về tình trạng buôn lậu vận chuyển hàng qua biên giới như: Tân Thanh, Bảo Lâm, Chi Ma… đã được các lực lượng chống buôn lậu rào chắn bằng hàng rào, dây thép gai và lập gần 30 lán dã chiến cắt cử mỗi lán có từ 2 đến 5 chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và Hải quan ứng trực 24/24 giờ từ nhiều tháng nên việc các đối tượng lén lút vận chuyển hàng lậu qua các đường mòn, lối tắt đã giảm hẳn.
Vẫn lợi dụng chính sách để buôn lậu
Tuy các đường ngang ngõ tắt đã được các lực lượng chống buôn lậu “bịt” kín song các chủ hàng lại tìm đường khác để đưa hàng lậu qua biên giới. Từ nhiều tháng nay, khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, huyện Văn Lãng ngày nào cũng xảy ra tình trạng chen lấn chờ để làm thủ tục xuất cảnh sang bên kia biên giới để xách hàng thuê. Họ là những cư dân được cấp sổ thông hành, giấy tờ xác nhận của cơ quan chức năng là dân cư vùng biên giới.
Khoản 2, Điều 5 Quyết định số 254/2006/QĐ –TTg ngày 7/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới đã quy định: “Riêng hàng hoá do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hoá đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày”. Lợi dụng quyết định này, các chủ hàng lậu đã lách luật, thuê mướn nhiều cư dân được hưởng chính sách sang bên kia biên giới gùi, vác hàng về qua đường cửa khẩu, rồi khai báo là hàng trao đổi cư dân biên giới để khỏi áp thuế.
Bà Nông Thị Cháu, thôn Cốc Nam, Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn cho biết: "Chúng tôi làm gì có tiền mà buôn với bán, chỉ sang bên kia xách hàng thuê thôi; mỗi chuyến người ta trả công khoảng một trăm ngàn đồng".
Ông Đinh Trường Giang, Kiểm tra viên Chi cục Hải quan Cốc Nam cho biết: Biết chính sách bị lợi dụng nhưng vẫn phải xác nhận cho hàng hóa nhập khẩu vào trong nước bởi khi kiểm tra thì đều đúng quy định. Nếu trước đây, mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục lượt người xách hàng theo quyết định trên thì đến nay sau khi bịt các đường mòn lối tắt thì số người “xách hàng” thuê tăng đột biết, trung bình mỗi ngày có khoảng trên 300 người thậm chí có ngày lên tới cả nghìn người.