Gian nan như ... ngân hàng đi kiện
(Tài chính) Khó khăn vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu liên quan tới Tòa án xem ra vẫn còn là câu chuyện dài dài.
Từ các vụ tranh chấp cụ thể
Việc các chủ DN, người vay vốn NH chây ì không trả nợ, thậm chí khi bị NH khởi kiện ra tòa vẫn trốn tránh trách nhiệm trả nợ, trong khi Tòa án nhân dân (TAND) tại không ít địa phương cũng chưa thực sự hỗ trợ NH đang là rào cản ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình xử lý nợ xấu (XLNX).
Đơn cử như VietinBank Chi nhánh Yên Bái khởi kiện DN tư nhân Thanh Tùng tại TAND Nghĩa Lộ (theo địa chỉ trên Đăng ký kinh doanh) thì bị Tòa trả lại đơn khởi kiện vì chủ DN hiện không có mặt ở địa phương và trụ sở của DN đã bị chuyển nhượng cho người khác. TAND Nghĩa Lộ hướng dẫn NH khởi kiện tại TAND nơi chủ DN có hộ khẩu thường trú. Chi nhánh NH tiếp tục thực hiện khởi kiện chủ DN tại TAND Quận Đống Đa – TP. Hà Nội (nơi có hộ khẩu thường trú của chủ DN – như hướng dẫn của TAND Nghĩa Lộ) nhưng TAND Quận Đống Đa trả lại với lý do: phải khởi kiện DN Thanh Tùng ở Yên Bái mới đúng quy định của pháp luật.
Không chỉ với VietinBank một vụ việc cụ thể khác của NHTMCP Sài Gòn (SCB) khởi kiện CTCP Tân Hoàng Thắng tại TAND Quận Tân Bình cũng có “số phận” tương tự. Đó là TAND Quận Tân Bình đã có Quyết định số 08/2014/QĐST-KDTM đình chỉ giải quyết vụ án vì chưa xác định được địa chỉ cư trú hiện tại của ba cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, theo SCB, thực chất là các cá nhân này cố tình trốn tránh, không làm việc với NH. SCB đã kháng cáo vụ việc lên TAND TP. Hồ Chí Minh nhưng Tòa án vẫn không chấp nhận đơn kháng cáo của SCB và giữ nguyên quyết định của TAND Quận Tân Bình.
Vụ việc của VietinBank và SCB chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc đã được phía các TCTD đưa ra tại buổi làm việc mới đây giữa Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) với đại diện của TAND Tối cao để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu.
Theo các TCTD, lẽ ra khi gặp các vụ việc trên, chiểu theo điểm a, khoản 1 Điều 36 Bộ Luật Tố tụng dân sự được sửa đổi năm 2011, trong trường hợp nguyên đơn “không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”.
Căn cứ như vậy, trong trường hợp bị đơn vắng mặt khỏi nơi cư trú và không xác định được nơi ở hiện tại thì TAND nơi bị đơn cư trú; hoặc nơi bị đơn làm việc; hoặc nơi bị đơn có trụ sở cuối cùng; hoặc nơi bị đơn có tài sản, khi nhận được Đơn khởi kiện của người khởi kiện, mà việc khởi kiện đã được thực hiện theo đúng quy định thì Tòa án có trách nhiệm xem xét thụ lý và tiến hành giải quyết vụ án mà không trả lại Đơn khởi kiện hay đề nghị người khởi kiện thực hiện khởi kiện vụ án tại một Tòa án khác.
Ngoài ra, cán bộ làm công tác pháp chế của các TCTD cho rằng, căn cứ quy định tại Khoản 6, Điều 9 Nghị quyết 05/2012-HĐTP, thì trong trường hợp người khởi kiện “có ghi đầy đủ, cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Tòa án, nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung”.
Thêm vào đó, theo quy định tại các Điều 168, 189, 192 Bộ Luật Tố tụng dân sự thì việc người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ không phải là căn cứ để Tòa án trả lại Đơn khởi kiện hay ra Quyết định tạm đình chỉ/đình chỉ giải quyết vụ án.
Đến lập luận của Tòa án
Trước những lập luận trên của các TCTD, tại buổi làm việc đại diện của ngành Tòa án là ông Bùi Ngọc Hòa – Phó chánh án TAND Tối cao và ông Đặng Xuân Đào – Chánh tòa án Tòa Kinh tế (TAND Tối cao) đề nghị: đại diện các NH không nên nêu vụ việc cụ thể mà đặt ra các nhóm vấn đề chung. Nếu từng vụ án cụ thể thì chúng tôi không có thẩm quyền trả lời mà chỉ trả lời những vấn đề nào có trong hướng dẫn nhưng chưa được xử lý.
Đại diện của TAND Tối cao cho rằng, đơn khởi kiện phải làm theo mẫu tại Điều 164 Bộ Luật Tố tụng dân sự. Nhưng để bảo đảm giải quyết vụ án về sau này, đơn kiện phải cung cấp được địa chỉ bị đơn. Chứ không phải lấy địa chỉ theo Hợp đồng tín dụng. Bởi thực tiễn đã có trường hợp NH cho vay phải DN ma. Do đó, cán bộ NH phải đến thực địa kiểm tra.
Đa số ý kiến cán bộ NH cho biết, do không tìm được địa chỉ của bị đơn nên mới nhờ Tòa án xử. Tuy nhiên, theo đại diện của TAND Tối cao, xác định địa chỉ của bị đơn rất cần thiết và cần phải xác định đây là địa chỉ cuối cùng của họ. Mà trách nhiệm này thuộc về NH. Tòa phải thực hiện đúng các thủ tục, để sau khi niêm yết thủ tục còn phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và NH phải bỏ chi phí thì Tòa án mới làm.
Buổi làm việc kết thúc. Đã có một số vấn đề được giải đáp, có vấn đề đại diện Tòa án khẳng định sẽ xem xét. Nhưng nhìn chung nhiều cán bộ pháp chế của các NH tỏ ra chưa thỏa mãn với nhiều lý giải từ phía Toà án. Xem ra khó khăn vướng mắc của các TCTD trong việc xử lý nợ xấu liên quan tới Tòa án vẫn còn là câu chuyện dài dài...