Giao VEC hoàn thành mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành trong năm 2026
Đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành có lưu lượng xe liên tục tăng cao và hiện đã vượt năng lực thiết kế. Để đáp ứng nhu cầu lưu thông, đặc biệt khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác, Chính phủ yêu mở rộng đoạn cao tốc này, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong năm 2026.

Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 29/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Văn bản số 494 về phương án thực hiện Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành.
Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý giao Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là cơ quan chủ quản thực hiện Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn ngân sách nhà nước để tham gia đầu tư Dự án; chỉ đạo VEC rà soát, tính toán cụ thể phương án tài chính của Dự án và tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm cơ bản hoàn thành Dự án trong năm 2026.
Phó Thủ tướng yêu cầu VEC chịu trách nhiệm quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu theo thẩm quyền (trong đó có hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt), đúng quy định của pháp luật (nhà thầu phải có đầy đủ năng lực kỹ thuật, tài chính và uy tín, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu/công trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, tiến độ theo yêu cầu).
VEC phải thực hiện đầu tư Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí.
Bộ Xây dựng được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và VEC trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư Dự án.
Trước đó, để khẩn trương triển khai đầu tư mở rộng đoạn TP. Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao VEC là cơ quan chủ quản thực hiện Dự án.
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do VEC làm chủ đầu tư, được hoàn thành đưa vào khai thác kể từ năm 2014. Trong đó, đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành (được khai thác từ năm 2015) có lưu lượng xe liên tục tăng cao (trung bình khoảng 10,82%/năm) và hiện đã vượt năng lực thiết kế dành cho 4 làn xe.
Theo Bộ Xây dựng, kể cả sau khi đưa đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào khai thác toàn tuyến (năm 2026), nhu cầu vận tải trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành vẫn vượt 25% năng lực thiết kế của 4 làn xe.
Liên quan đến việc mở rộng đoạn cao tốc này, cuối tháng 3 vừa qua, Ban quản lý dự án 7 đã gửi tờ trình lên Bộ Xây dựng thẩm định chủ trương đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc đoạn TP. Hồ Chí Minh - Long Thành.
Theo đề xuất trong tờ trình, phạm vi đầu tư mở rộng tuyến dài gần 22km; điểm đầu tại Km4+000 (nút giao Vành đai 2) thuộc TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh; điểm cuối tại Km25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu) thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Đoạn cầu cạn Vành đai 2 - Vành đai 3 (Km4+000 - Km8+44,5) sẽ mở rộng mỗi bên 7,75m để đạt quy mô 8 làn xe. Đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (Km8+44,5 - Km25+920) sẽ mở rộng quy mô lên 10 làn xe.
Riêng cầu Long Thành (dài hơn 2.300m) xây dựng một đơn nguyên cầu mới với quy mô 5 làn xe hoàn chỉnh (có làn dừng xe khẩn cấp), bề rộng cầu 23,75m.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 15.337 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 967 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 11.116 tỷ đồng; chi phí thiết bị gần 99 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.126 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 1.980 tỷ đồng.
Theo lộ trình, dự án sẽ được khởi công trong quý 3/2025, cơ bản hoàn thành năm 2026.
Để hoàn thành Dự án đồng bộ với Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Ban quản lý dự án 7 kiến nghị cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu; trình tự thủ tục lập, thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và công tác giải phóng mặt bằng.