Giếng dầu ngăn cách Mỹ - Trung
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/4 thông báo, sẽ chấm dứt gia hạn việc cho phép một số quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Iran. Động thái này có thể gây xáo trộn thị trường dầu thô thế giới và gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, nước đang nhập khẩu rất lớn dầu thô từ Iran.
Kéo xuất khẩu dầu Iran về 0
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ không gia hạn miễn trừ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhận được vào tháng 11 năm ngoái để tiếp tục mua một lượng dầu khiêm tốn của Iran, khi hết hạn vào ngày 2/5 gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Đài Loan. Động thái này nhằm đẩy xuất khẩu dầu Iran từ mức hiện tại khoảng 1,5 triệu thùng/ngày xuống gần bằng 0. Đây là mục tiêu từ lâu của chính quyền Trump từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran gần 1 năm trước.
Ông Pompeo cho biết, các nhà cung cấp khác bao gồm Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã đồng ý tăng nguồn cung để bù đắp phần thiếu hụt dầu thô Iran trên thị trường.
Mục tiêu vẫn đơn giản là tước bỏ chế độ ngoài vòng pháp luật của các quỹ mà Iran đã sử dụng để gây bất ổn ở Trung Đông trong nhiều thập niên và khuyến khích nước này hành xử như một quốc gia bình thường”
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Quyết định không gia hạn miễn trừ là một chiến thắng cho Cố vấn an ninh quốc gia diều hâu John Bolton và các đồng minh của ông, những người lập luận rằng lời hứa Mỹ cứng rắn với Iran sẽ là vô nghĩa nếu các miễn trừ vẫn còn.
Mark Dubowitz, Giám đốc điều hành của Tổ chức Quốc phòng Dân chủ (FDD) và là người ủng hộ các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran, cho biết: “Chiến dịch áp lực tối đa sẽ không đạt mức tối đa nếu chính quyền không cắt được xuất khẩu dầu của Iran. Với quyết định này, nền kinh tế của Iran sẽ chịu áp lực nặng nề khi thu nhập tiền mặt khó và dự trữ ngoại hối giảm mạnh”. Theo một nguồn tin, ngày 21/4 Tổng thống Donald Trump đã báo cho Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Thái tử UAE Mohammed bin Zayed, về quyết định này trong các cuộc điện đàm trước đó.
Thực ra ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới gần 1 năm trước, và hồi sinh một loạt biện pháp trừng phạt đối với Iran và bất kỳ quốc gia nào làm ăn với nước cộng hòa Hồi giáo này. Nhưng ông và các cố vấn hàng đầu của mình e ngại sẽ gây khủng hoảng thị trường năng lượng, nên đã cho phép miễn trừ với 8 nước nêu trên.
Tuy nhiên sau đó Italia, Hy Lạp và Đài Loan đã ngừng nhập khẩu dầu từ Iran, 5 nước còn lại đã vận động để được gia hạn miễn trừ. Một người thạo tin cho biết, một số quốc gia trước đây đã nhận được miễn trừ sẽ được Mỹ cho thêm một ít thời gian để kết thúc việc mua hàng, nhưng đó không phải gia hạn miễn trừ, mà là thời gian ân hạn ngắn ngủi.
Ông Bolton và các quan chức của Bộ Năng lượng Mỹ lập luận rằng, đã đến lúc chính quyền phải thực hiện tốt mong muốn đẩy xuất khẩu dầu của Iran về 0. Đội ngũ của Pompeo dẫn đầu bởi đặc sứ phụ trách Iran Brian Hook, cảnh báo rằng việc loại bỏ dầu thô Iran ra khỏi thị trường một cách đột ngột - khoảng 1,1 triệu thùng mỗi ngày - có thể gây ra biến động và dẫn đến tăng giá. "Chúng tôi chắc chắn sẽ không cấp thêm bất kỳ trường hợp ngoại lệ hoặc miễn trừ nào" - ông Hook nói với Bloomberg vào đầu tháng 4.
Trung Quốc có nguy cơ bị cấm vận?
Các mối quan hệ Mỹ-Trung là nhiều mặt, sâu sắc và phức tạp. Thật khó để tôi tin rằng quyết định chấm dứt miễn trừ được thực hiện mà không cần thảo luận trước với Bắc Kinh và các quốc gia khác".
Ông Adam M Smith, đối tác Công ty Luật Gibson Dunn & Crutcher
Bằng cách rút lại các miễn trừ dầu mỏ, chính quyền Trump đang đe dọa an ninh năng lượng của Trung Quốc, ngay cả khi Washington đang cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại quan trọng với Bắc Kinh, và cũng cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc kiểm soát sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức chống lại việc hủy bỏ các miễn trừ, mặc dù các nhà phân tích cho biết cả Bắc Kinh và Washington sẽ cẩn thận, không gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán thương mại của họ. Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết: "Trung Quốc kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc". Trung Quốc là người mua dầu lớn nhất của Iran và đã tăng lượng mua trong năm nay, trái với yêu cầu của chính quyền Trump rằng họ dần dần đưa hàng nhập khẩu về 0.
“Mỹ và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận bao gồm nhiều vấn đề thương mại. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ tiếp tục trong 2 tuần tới, đầu tiên ở Bắc Kinh và sau đó tại Washington, để giải quyết một số điểm gút mắc, bao gồm loại bỏ các loại thuế quan hiện hành. Nếu những khoảng trống đó được thu hẹp, hai bên sẽ tìm cách sắp xếp một cuộc họp ký kết giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5 hoặc tháng 6” - một người đã được thông báo về các cuộc đàm phán nói với New York Times trong điều kiện giấu tên.
Như vậy bất kỳ động thái nào của Bắc Kinh để cố gắng tiếp tục mua dầu Iran liệu có buộc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc hay không? Những định chế này đang ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng có thể thiết lập một phương tiện mới thay thế cho việc sử dụng các cơ chế ngân hàng hiện tại, như các quốc gia châu Âu đã làm, để tiếp tục thực hiện một số hoạt động kinh doanh với Iran.
Khuấy đảo thị trường dầu mỏ
Các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia khác cũng chắc chắn sẽ buồn bã trước thông báo hôm 22/4. Những nước này gồm 2 đồng minh quan trọng của Mỹ trong chính sách đối phó với Triều Tiên, là Hàn Quốc và Nhật Bản. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đến Washington vào giữa tháng 4 và đề nghị Nhà Trắng gia hạn miễn trừ cho họ. Ông Ibrahim Kalin, cố vấn cấp cao của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nhấn mạnh việc Thổ Nhĩ Kỳ “có quan hệ văn hóa” với Iran. Và Ấn Độ, nước nhập khẩu 4/5 lượng dầu của mình, phụ thuộc vào Iran như một trong những nhà cung cấp chính.
Nếu Trung Quốc không giảm nhanh việc nhập khẩu dầu Iran, các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể được áp dụng cho ngân hàng trung ương của Bắc Kinh, tức Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC)”.
Ông Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia
Quyết định hôm 22/4 có thể có tác động ngay lập tức đến thị trường tài chính Ấn Độ nếu nó khiến giá dầu tăng vọt. Cắt giảm nhập khẩu dầu Iran sẽ khó khăn, nhưng New Delhi có thể tuân thủ các quy tắc trừng phạt của Mỹ và tìm kiếm các nguồn dầu thay thế, theo một quan chức hàng đầu trong văn phòng của Thủ tướng Chính phủ Narendra Modi.
Trong khi đó, Arab Saudi đã nhiệt tình tán thành việc chấm dứt các miễn trừ. Sự gia tăng giá dầu toàn cầu đã tài trợ cho ngân sách vương quốc này và có thể thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến đề nghị chào bán công khai ban đầu (IPO) của Saudi Aramco, đã bị trì hoãn trong năm qua. Khalid al-Falih, Bộ trưởng năng lượng của Arab Saudi cho biết sẽ phối hợp với các nhà sản xuất dầu đồng nghiệp để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho người tiêu dùng và thị trường dầu toàn cầu không bị mất cân bằng.
Nga, nước có khả năng cung cấp nhiều nguồn cung dầu hơn, cũng có lợi nhuận. Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga tuần trước nói rằng ông hài lòng với việc tăng giá và rằng còn sớm để xem xét lại mức sản xuất trong nửa cuối năm nay.
Kể từ khi chính quyền Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran gần 1 năm trước, giá dầu đã đi một cách thất thường. Giá dầu lần đầu tiên tăng vọt lên hơn 85USD/thùng khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, trước khi giảm xuống khoảng 50USD sau khi chính quyền cấp miễn trừ 6 tháng trước. Vì giá dầu đã tăng trở lại kể từ tháng 1, do đó nó khiến cánh tài xế Mỹ tốn nhiều chi phí hơn. Giá xăng trung bình ở Mỹ đã tăng 23 cent so với tháng trước, lên 2,84USD, cao hơn 8 cent so với 1 năm trước.