Mỹ tăng áp lực lên Iran, chặn nguồn xuất khẩu dầu thô

Theo Hải Đăng/nhadautu.vn

Trong khuôn khổ chiến dịch gây “áp lực tối đa” lên Iran, buộc Teheran chấm dứt các hoạt động “gây mất ổn định” ở Trung Đông, hôm 22/4/2019, Hoa Kỳ đã chính thức thông báo sẽ trừng phạt bất cứ quốc gia nào tiếp tục mua dầu thô của Iran, dù quyết định này sẽ khiến giá dầu thô trên thế giới tăng thêm nữa.

 Các dàn khai thác khí đốt ở Soroush, Vịnh Ba Tư, phía nam Teheran, Iran...
Các dàn khai thác khí đốt ở Soroush, Vịnh Ba Tư, phía nam Teheran, Iran...

Cụ thể, theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã quyết định là ngay từ ngày 2/5 tới, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt miễn trừ lệnh trừng phạt cho 8 quốc gia còn tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran. Đó là các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Hy Lạp.

Thật ra thì trong số 8 nước kể trên, Đài Loan, Ý và Hy Lạp đã ngưng nhập dầu Iran từ tháng 11 năm ngoái, tức là kể từ khi Washington đã tái lập các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô Iran. Các biện pháp trừng phạt đó đã được dỡ bỏ đầu năm 2016 trong khuôn khổ hiệp định Vienna, ký vào năm 2015.

Theo hiệp định này, đổi lấy việc quốc tế bỏ cấm vận, Iran chấp nhận giảm bớt chương trình làm giàu chất uranium, chương trình mà nhiều nước xem là nhằm phục vụ cho việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Nhưng tổng thống Donald Trump cho rằng hiệp định 2015, được ký dười thời người tiền nhiệm Barack Obama, là chỉ có lợi cho Teheran, cho nên vào năm ngoái ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này.

Tuy vậy, nhằm tránh cho giá dầu trên thế giới tăng vọt, Hoa Kỳ lúc đó đã tạm cấp quyền miễn trừ lệnh trừng phạt cho 8 nước nói trên, để các quốc gia này có thể tiếp tục nhập dầu Iran thêm 6 tháng mà không bị Mỹ trừng phạt. Nay tổng thống Trump quyết định không cấp quyền miễn trừ nữa, để giảm xuất khẩu dầu thô của Iran xuống và cắt nguồn thu nhập chính của chế độ Teheran.

Quyết định của Washington sẽ đặc biệt gây khó khăn cho Trung Quốc, hiện đang tiến hành những cuộc đàm phán thương mại phức tạp với Hoa Kỳ, cũng như đối với Ấn Độ, đồng minh chiến lược của Mỹ và là quốc gia nhập khẩu dầu đứng hàng thứ ba thế giới.

Theo thống kê của một cơ quan chuyên môn, S&P Global Platts, trong tháng 3 vừa qua, Iran đã xuất khẩu trung bình mỗi ngày 1,7 triệu thùng dầu, trong đó có gần 628 ngàn thùng sang Trung Quốc và 357 ngàn thùng sang Ấn Độ.

Ngay từ hôm 22/4, Trung Quốc, qua lời người phát ngôn bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng, đã chỉ trích quyết định nói trên của Mỹ. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc chống lại mọi biện pháp trừng phạt đơn phương do Hoa Kỳ ban hành. Sự hợp tác của chúng tôi với Iran là hoàn toàn minh bạch, hợp pháp và chính đáng. Chính phủ của chúng tôi quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc và tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì ổn định cho thị trường năng lượng thế giới”.

Không thể một mình chống lại “chính sách bá quyền của Mỹ”, Bắc Kinh hy vọng sẽ có một phản ứng phối hợp để đáp lại việc Hoa Kỳ ngưng cấp quyền miễn trừ đối với nhập khẩu dầu từ Iran. Đây là vấn đề mang tính chiến lược đối với nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, có nhu cầu rất cao về năng lượng. Trong bài xã luận hôm 23/4, tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết rằng chẳng có gì mà phải than vãn, Trung Quốc phải bằng mọi cách bảo đảm tính liên tục và an ninh cho các công ty nhà nước làm việc với Iran.

Theo hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập 1,6 triệu thùng dầu thô Iran trong tháng 2 vừa qua. Thật khó mà tưởng tượng một nguồn cung cấp như vậy lại bị cắt giảm trong một thời gian ngắn như thế. Một số người cũng đặt câu hỏi về thời điểm đưa ra quyết định của Mỹ về dầu thô Iran, vào lúc mà Washington và Bắc Kinh dường như sắp đạt được một thỏa thuận về thương mại.

Nhưng quốc gia chỉ trích mạnh mẽ nhất quyết định của Hoa Kỳ dĩ nhiên là Iran. Theo thẩm định của chính quyền Trump, kể từ tháng 5/2018, tức là kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân, Iran đã bị mất hơn 10 tỷ đôla thu nhập từ dầu thô. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran đã lên án quyết định của Mỹ, cho rằng toàn bộ các biện pháp trừng phạt của Washington là không có giá trị và bất hợp pháp.

Tuy nhiên, phát ngôn viên này buộc phải thừa nhận, quyết định mới của Mỹ rất có thể sẽ làm gia tăng những tác động tiêu cực lên nền kinh tế Iran. Ông nói thêm là chính phủ Teheran sẽ sớm thông báo phản ứng của mình, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Kể từ khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định hạt nhân vào tháng 5/2018 và các biện pháp trừng phạt của Mỹ được tái lập dần dần, kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm hơn 50% và nay xuống đến mức dưới một triệu thùng mỗi ngày.

Với với quyết định mới của Mỹ, trên nguyên tắc, 8 nước được miến trừ trước đây sẽ không thể nhập dầu từ Iran nữa, nếu không sẽ bị Washington trừng phạt. Mục tiêu của Hoa Kỳ là giảm xuất khẩu dầu thô của Iran xuống còn “số không” để bóp nghẹt nền kinh tế nước này và qua đó buộc Teheran từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như thay đổi chính sách đối với khu vực.

Ngày loan báo quyết định nói trên, tổng thống Trump đã hứa là Ả Rập Xê Út, cũng như các thành viên khác của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa OPEC, như Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập, sẽ bù đắp nhiều hơn lượng dầu sụt giảm. Chính phủ Ả Rập Xê Út cũng đã ngay lập tức tuyên bố sẳn sàng có biện pháp để ổn định thị trường. Hôm 22/4, một quan chức chính phủ Irak, đồng minh của Mỹ và của Iran, cũng đã tuyên bố với hãng tin AFP là nước này sẳn sàng xuất khẩu thêm 250 ngàn thùng dầu mỗi ngày, nếu các thị trường có yêu cầu.

Thế nhưng, trên thị trường châu Á hôm 23/4, giá dầu thô tiếp tục tăng, sau khi đã lên đến mức cao nhất từ gần sáu tháng nay vào hôm qua, tức là một ngày sau khi tờ Washington Post tiết lộ là chính phủ Mỹ chuẩn bị loan báo ngưng cấp quyền miễn trừ lệnh trừng phạt cho các nước còn nhập dầu thô từ Iran.

Theo một chuyên gia tại Singapore được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, giá dầu thô trên thế giới có sẽ tăng vọt hay không là tùy thuộc vào mức sản xuất của Ả Rập Xê Út và các thành viên khác của OPEP trong những tháng tới.