Giữ "tên" nông sản Việt trên thị trường thế giới
Nếu trước đây, tỷ lệ xuất thô của nông sản Việt Nam lên tới 90% thì nay đã giảm xuống còn khoảng 60%. Song, điều này vẫn là chưa đủ để nâng cao vị trí thương hiệu của nông sản Việt trên thị trường thế giới. Theo đó, chất lượng và chế biến sâu sẽ là con đường mà ngành nông nghiệp cần phải đẩy mạnh, trước hết để tận dụng cơ hội khi thị trường phục hồi sau dịch COVID-19.
6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; mục tiêu cả năm đạt tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 44 - 45 tỷ USD.
Nông sản chế biến mới chiếm hơn 30%
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh đánh giá, Việt Nam đã trở thành một nước XK nông nghiệp hàng đầu thế giới. Nhưng trong bức tranh sáng màu này, ông vẫn nhìn thấy nhiều thách thức. Đó là chuyện nhiều mặt hàng có kim ngạch XK đứng nhất, nhì thế giới nhưng vẫn chỉ dừng ở hàng nguyên liệu. Điều này dẫn đến khi biến cố ập đến như dịch COVID-19 đang diễn ra, những người làm nông nghiệp mới nhận ra rằng mình đang phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới.
"Chúng ta phụ thuộc vào thương nhân, phương tiện vận chuyển của nước ngoài... Để rồi hành, khoai lang, trái cây... bị dư thừa. Chúng ta được biết tới sản xuất nguyên liệu, nhưng không nhiều người biết đến là nhà sản xuất có thương hiệu", lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sinh chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, đang có sự cạnh tranh "tự giết nhau" giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. "Chúng tôi hay nói tới việc Việt Nam là nước đang phát triển nhưng lại phải cho DN của nước phát triển nợ tiền hàng, nghĩa là hàng nông sản XK sang đến nơi, người ta kiểm tra đạt yêu cầu thì mới trả tiền nợ. Vốn như vậy đã rất khó khăn rồi nhưng DN Việt Nam lại cạnh tranh không sòng phẳng, đơn cử nếu DN này chào 4 đồng thì DN kia sẵn sàng hạ xuống 3 đồng, cho nợ tiền hàng thời gian lâu hơn. Như vậy, mình đã làm khó nhau", ông Tùng chia sẻ.
Cùng với đó, ông Tùng bày tỏ nỗi lo về chất lượng nông sản không đồng đều về chất lượng. Điều này rất nguy hiểm cho XK. Một khi lô hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thì thị trường nước ngoài không chỉ phạt mỗi DN, mà sẽ đưa hàng Việt Nam vào "danh sách đen". Như vậy, chúng ta mất trắng thị trường, mất luôn cả công sức trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do.
Về phía cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, nếu trước đây khoảng 90% nông sản phải xuất thô, thì nay con số đã giảm xuống khoảng 66%. Như vậy, tỷ lệ nông sản Việt Nam XK qua chế biến đã đạt trên 30%. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới thì còn nhiều việc phải làm.
Theo đó, việc đầu tiên là giá thành phải đủ sức cạnh tranh, đồng thời đẩy mạnh tương tác với thị trường - làm thế nào để vào sâu là một vấn đề lớn. Để làm được điều này, vai trò kết nối của DN XK với chuỗi phân phối, bán lẻ, bán buôn ở nước XK rất quan trọng.
Ông Toản cho hay: "Có một số sản phẩm khi vào tiêu thụ nội địa, thương hiệu Việt Nam bị thay thế bằng thương hiệu của nước họ. Đây là vấn đề bảo hộ thương hiệu của chúng ta ở thị trường nước ngoài".
Tận dụng cơ hội hậu COVID-19
Một vấn đề nữa cũng được đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đặt ra, đó là tập trung vào khâu chế biến, vì đặc thù của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam là đa dạng chủng loại, thời gian bảo quản ngắn, sản xuất theo mùa vụ. Do vậy, khâu chế biến gắn chặt chẽ với vùng nguyên liệu sẽ giúp nông sản đi xa hơn.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh việc tập huấn cho người nông dân, HTX đơn lẻ sản xuất hàng hóa có truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là việc làm khó khăn, nên cần sự đồng hành của DN, Nhà nước.
"Cần xây dựng chuỗi giá trị gồm nhiều thành tố tham gia như nông dân, HTX, DN, đòi hỏi sự chuyên nghiệp và nhận thức phải tương đồng. Câu chuyện thương hiệu - là cấu phần ở khâu cuối nhưng tư duy phải làm ở khâu đầu tiên. Rõ ràng, người nông dân, HTX phải sản xuất ra nông sản đạt chuẩn, không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ luật chơi của thị trường. Có như vậy, nông sản Việt Nam mới tận dụng tốt thời cơ khi thị trường mở ra hậu COVID-19", ông Toản nhấn mạnh.
Chia sẻ câu chuyện từ DN mình, ông Phan Minh Thông cho hay, 10 năm qua, Tập đoàn Phúc Sinh đã đi thua mua tiêu của Indonesia, Brazil - vốn là đối thủ cạnh tranh với tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. "Khi mua hàng của họ, Phúc Sinh biết được điểm mạnh, yếu của họ là gì. Từ đó, chúng tôi đầu tư vào nâng cao chất lượng tiêu Việt Nam, xây dựng nhà máy chế biến sâu", ông Thông cho biết.
Kết quả, Tập đoàn Phúc Sinh đã phát triển được nhiều mặt hàng từ chế biến như hạt tiêu xanh - giữ nguyên màu xanh của hồ tiêu. Nhiều nước đã giật mình, trầm trồ vì màu sắc đặc biệt này. Tập đoàn Phúc Sinh cũng chế biến ra nước sốt tiêu cung cấp cho toàn thế giới.
Ông Thông cho rằng, chỉ có chất lượng và chế biến sâu mới làm cho ngành nông nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, vượt qua nhiều đối thủ, giữ được tên, thương hiệu của người Việt.
"Thế giới phẳng, thì DN phải tư duy lớn, không được tuy duy nhỏ bé ở Việt Nam, mà còn phải xây dựng nhà máy, văn phòng ở nước ngoài. Chúng tôi tự tin rằng khi thị trường châu Âu, Mỹ mở cửa, phục hồi, Phúc Sinh sẽ tận dụng được nhiều cơ hội nhất sau đại dịch COVID-19", lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sinh tự tin khẳng định.
Đồng thời, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group nhấn mạnh, các hiệp định thương mại tự do chỉ là phương tiện, còn quan trọng là nông sản Việt phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật. "Giờ đây, thị trường là sân chơi chung, ai nhanh thì người đó thắng", ông Tùng nói.