Xuất khẩu có thể đạt hơn 300 tỷ USD
Bộ Công Thương kỳ vọng, trong điều kiện thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 có thể đạt khoảng 308 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra thì nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Là những ngành sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày luôn đối mặt với rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Mặc dù tình hình không bị đóng băng như năm 2020, nhưng cá biệt ở từng đơn vị, nếu không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy, buộc phải đóng cửa, ngừng sản xuất thì thiệt hại sẽ rất lớn về xuất khẩu (XK).
Nguy cơ gián đoạn xuất khẩu
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 3 đợt dịch đầu tiên, các DN trong tập đoàn hoàn toàn không có người bị mắc COVID-19. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4 thì DN ở Bắc Ninh và Đà Nẵng có người lao động là F0. Đây là lần đầu tiên trong 18 tháng có đại dịch lan tràn, người lao động trong DN thuộc Vinatex nhiễm bệnh, dẫn tới việc DN tại nơi đó buộc phải ngừng sản xuất, bị thiệt hại không nhỏ.
"Với năm 2020, khi cả thế giới trong đại dịch, nhu cầu ngừng lại, người mua không nhận hàng thì chúng tôi cũng đã khó khăn. Bước sang năm 2021, tình hình còn phức tạp hơn khi thế giới đã vận hành bình thường, đã có các hợp đồng kinh tế, thời gian giao hàng cụ thể, trách nhiệm rõ ràng gắn với nhà sản xuất. Do vậy, việc dừng sản xuất, giao hàng chậm dù do yếu tố khách hàng thì vẫn sẽ gây thiệt hại", ông Trường chia sẻ.
Hay với mặt hàng điện thoại, năm 2021, Samsung đặt kế hoạch sản xuất, XK ở mức cao, trong khoảng 60 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng XK điện thoại chậm lại do doanh thu và sản lượng của Samsung chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ và EU do dịch COVID-19.
Trong ngắn hạn, tuy không trực tiếp có ca nhiễm COVID-19 trong nhà máy, nhưng lao động của Samsung Bắc Ninh chỉ duy trì khoảng 40% so với bình thường do thiếu hụt lực lượng lao động vẫn di chuyển tuyến Bắc Giang - Bắc Ninh.
Dịch đang bùng phát ở các tỉnh thành phía Nam, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lo ngại, 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực thủy sản đạt tăng trưởng tích cực, nhưng những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều tình huống bất lợi của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19, giá nguyên vật liệu, vật tư phục vụ cho ngành, cước tàu biển, container rỗng... tăng.
Ông Luân bày tỏ lo ngại nhất, nếu ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mà xuất hiện F0, F1 trong các khu công nghiệp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới XK thủy sản vì đây là vựa sản xuất tôm, cá lớn nhất cả nước.
Hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp
Đáng chú ý, số liệu của IHS Markit công bố mới đây cũng cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm mạnh từ 53,1 điểm của tháng 5 xuống còn 44,1 trong tháng 6. Đây là chỉ số khảo sát các nhà sản xuất tại Việt Nam về tình trạng số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và tồn kho hàng hóa.
IHS Markit cho biết, làn sóng các ca lây nhiễm COVID-19 mới nhất ở Việt Nam đã khiến các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất suy giảm mạnh trong tháng 6. Theo đó, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch vào đầu năm 2020.
Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng giảm trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn vì tình trạng khan hiếm container, khan hiếm nguyên vật liệu và những hạn chế liên quan đến đại dịch. Mức độ chậm trễ giao hàng ghi nhận cao thứ hai trong lịch sử khảo sát, chỉ thấp hơn mức được ghi nhận vào tháng 4/2020, tức đợt bùng phát dịch COVID-19 lần đầu vào năm ngoái.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng liệt kê nhiều khó khăn cản trở XK trong năm 2021. Theo đó, thương mại toàn cầu hiện vẫn còn ảm đạm và khó dự đoán, phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 và việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện ngày càng rõ ràng hơn trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến nay. Biểu hiện cụ thể là số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa XK của Việt Nam đang có xu hướng tăng.
Nhận thức của người tiêu dùng cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Ví dụ như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT), nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc.
Đáng lo ngại, giá cước vận chuyển quốc tế bằng đường biển tăng cao kéo dài từ quý IV/2020 đến nay, cụ thể các tuyến châu Á tăng 3-4 lần, các tuyến châu Phi tăng 3-4 lần, các tuyến châu Âu tăng 5-6 lần, thậm chí có những thời điểm tăng 7-8 lần. Trong khi đó, tình trạng thiếu vỏ container rỗng vẫn còn tiếp diễn.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn đặt kỳ vọng trong điều kiện thuận lợi, tổng kim ngạch XK cả năm nay có thể đạt khoảng 308 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Về nhập khẩu, kim ngạch đạt khoảng 306 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020. Cán cân thương mại xuất siêu ở mức khoảng 2 tỷ USD.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, giải pháp trước mắt là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho XK.
Theo đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của DN để hỗ trợ tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng hàng hóa sản xuất. Theo dõi chặt chẽ, phối hợp với các DN sản xuất lớn, có đóng góp quan trọng vào kim ngạch XK của Việt Nam để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi các điều kiện XK thuận lợi.
Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và diễn biến tình hình dịch bệnh. Đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch COVID-19, duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp. Xem xét, bố trí ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có mật độ cao, dễ lây nhiễm.