Agribank – Chi nhánh Hải Dương:
Giữ trọn niềm tin của bà con nông dân
(Tài chính) Với lượng vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn, khoảng hơn 88% tổng dư nợ cho vay (tính đến cuối tháng 2/2014), Ngân hàng Nông ngiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) – Chi nhánh Hải Dương góp phần quan trọng vào hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp địa phương và giữ trọn lòng tin của bà con nông dân nơi đây.
Vượt khó khăn…
Vượt qua những khó khăn, thách thức do biến động của nền kinh tế, thị trường tiền tệ và lãi suất, thời gian qua Agribank – Chi nhánh Hải Dương đã từng bước khẳng định vai trò trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn, dư nợ cho vay nền kinh tế tăng trưởng cao hơn năm trước, cao hơn bình quân chung của toàn hệ thống Agribank và của ngành Ngân hàng toàn tỉnh Hải Dương. Cơ cấu tín dụng chuyển đổi theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh tăng 12,7%, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 16,4%. Theo đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, các khoản nợ xấu giảm xuống còn 1,02 %, thấp hơn bình quân chung toàn hệ thống Agribank và toàn đại bàn tỉnh Hải Dương…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có tới 25 tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) loại I và 72 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đang hoạt động và mở rộng mạng lưới đến tận khu vực nông thôn, khiến cho thị phần của Agribank – Chi nhánh Hải Dương ngày càng bị thu hẹp.
(Nguồn: Agribank - Chi nhánh Hải Dương)
Tính đến 28/2/2015, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt 11.705,8 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương là 11.551,8 tỷ đồng, chiếm 98,68 tổng nguồn vốn hoạt động, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 101,73% chỉ tiêu kế hoạch quý I/2015. Riêng tiền gửi dân cư chiếm 94,53% tổng số vốn huy động, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014; Vốn dự án tín dụng nhận từ trụ sở chính là 154 tỷ đồng, chiếm 1,32% tổng nguồn vốn hoạt động, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014.
Tổng dư nợ cho vay là 9.040,5 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn so với mức tăng chung của ngành Ngân hàng tỉnh Hải Dương và đạt 96,48% kế hoạch quý I/2015. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là gần 8.000 tỷ đồng, chiếm 88,48% tổng dư nợ toàn Chi nhánh, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014.
Kết quả này có được, một mặt là nhờ nỗ lực và quyết tâm của đội ngũ cán bộ công chức trong toàn Chi nhánh trong hành trình đưa “vốn” về với bà con nông dân. Với phương châm “Agribank mang phồn thịnh đến khách hàng”, đội ngũ cán bộ luôn tạo điều kiện giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn một cách đơn giản, thuận tiện nhất. Mặt khác là, do Chi nhánh đã điều hành lãi suất đúng quy định, thậm chí còn chủ động điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với tình hình phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
… giữ vững thị phần
Thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hiện có tới 25 tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) loại I và 72 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đang hoạt động và mở rộng mạng lưới đến tận khu vực nông thôn, khiến cho thị phần của Agribank – Chi nhánh Hải Dương ngày càng bị thu hẹp.
Trước áp lực đó, thực hiện vai trò chủ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Agribank Hải Dương luôn cân đối giữa nguồn tiền gửi và cho vay, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Năm 2014, Chi nhánh đã thực hiện giảm 4 lần lãi suất cho vay và tính đến 22/3/2015, Chi nhánh đã triển khai 6 đợt giảm lãi suất huy động, tạo dư địa để giảm tiếp lãi suất cho vay, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Đặc biệt, xác định nông nghiệp, nông thôn là thị trường truyền thống, nông dân là người bạn đồng hành, Chi nhánh đã tiến hành phổ biến chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn tới từng người nông dân; xây dựng mô hình đầu tư cụ thể theo nhóm, phục vụ cho chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ nguồn vốn của Agribank – Chi nhánh Hải Dương, các nông hộ, trang trại và chủ doanh nghiệp nơi đây đã có cơ hội đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, lĩnh vực có thế mạnh. Nhiều mô hình kinh tế do Ngân hàng đỡ đầu đã đạt hiệu quả cao như: Mô hình chăn nuôi cá, phát triển kinh tế hộ gia đình của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hoan và chị Nguyễn Thị Tâm ở xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). “Từ 800 triệu đồng vốn vay từ Agribank – Chi nhánh Hải Dương, đến nay gia đình đã có trên 20 mẫu (13 ao cá) chuyên nuôi và cung cấp giống. Mỗi năm gia đình thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt thu tới 600-700 triệu đồng/ao. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu được 25% lợi nhuận/tổng doanh thu”, chị Tâm chia sẻ.
Cũng được sự hỗ trợ của nguồn vốn từ Agribank – Chi nhánh Hải Dương, gia đình anh Cao Văn Lâm (thôn Văn Xá, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện) cũng đã xây dựng được mô hình đầu tư máy sản xuất nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương. Với guồn vốn vay 200 triệu không lãi suất từ của Chi nhánh và số vốn tự có của gia đình, anh Lâm đã đầu tư 2 tỷ đồng mua chuỗi máy (máy cấy, máy gặt, máy gieo mạ) theo công nghệ Nhật Bản phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương và các vùng lân cận. Anh Lâm cho hay, việc sử dụng máy nông nghiệp sẽ cho năng suất cao hơn rất nhiều so với hoạt động sản xuất bình thường như hiện nay. “Trung bình cấy tay một cây lúa 3 dảnh, khi trưởng thành cây lúa sẽ cho ra 6 – 7 dảnh, tuy nhiên có sự can thiệp của máy nông nghiệp, khi trưởng thành cây lúa sẽ cho ra 18- 21 dảnh, năng suất làm việc theo đó cũng giảm đi rất nhiều, chỉ tốn 1 giờ/ 1 mẫu, xấp xỉ 100 người lao động cấy tay”, anh Lâm so sánh.
Ngoài những mô hình trên, còn rất nhiều các hộ dân, gia đình tiêu biểu khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương đi lên từ nguồn vốn của Ngân hàng Agribank như: Mô hình chăn nuôi lợn, cá tại huyện Kim Thành, mô hình hợp tác xã thủy sản tại huyện Thanh Miện, chăn nuôi cá tại huyện Kinh Môn…