Giữa mạo hiểm và rủi ro

Theo dddn.vn

(Tài chính) Quyết định mới rồi của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, được gọi là Quantitative Easing, đã khiến tất cả ngỡ ngàng.

 Giữa mạo hiểm và rủi ro
Việc FED tiếp tục in thêm tiền bơm vào thị trường tài chính rất tai hại đối với FED, kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới. Nguồn: internet
Bởi gần như ai cũng đã chắc mẩm là FED tại phiên họp lần này của Uỷ ban Thị trường mở sẽ quyết định khởi động quá trình siết chặt chính sách tiền tệ.

Họ có hai lý do để đi tới dự báo đó. Thứ nhất, hồi tháng 6 vừa qua, không phải ai khác ngoài đích thân Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke, đã đề cập tới khả năng chấm dứt Quantitative Easing. Thứ hai, từ đó đến nay đã có một số biểu hiện cho thấy tình hình tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động ở Mỹ đã khả quan hơn trước. Nhưng tất cả đã nhầm và bị bất ngờ.

Tình thế khó xử của FED

Với quyết định tiếp tục Quantitative Easing, rõ ràng FED cho rằng tình hình tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động ở Mỹ chưa được cải thiện bền vững đến mức có thể thay đổi chính sách tiền tệ lâu nay.

Nội hàm của chính sách Quantiative Easing của FED, được thực thi sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2008, là FED in thêm tiền để mua trái phiếu nhà nước với mức độ hàng tháng hơn 85 tỉ USD, gộp lại từ đó đến nay đã hơn 3.000 tỉ USD - bằng một phần năm GDP của Mỹ. Mục đích chính của FED là duy trì mặt bằng lãi suất thấp như có thể được và hiện tại đã đến mức gần như không thể còn thấp hơn được nữa.

Suy tính của FED là lãi suất thấp như bằng không thế sẽ khích lệ tất cả, tư nhân cũng như giới kinh tế và nhà nước, vay tín dụng để trả nợ và tăng tiêu dùng, nhờ đó mà kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng. Kết quả mà FED mong đợi là kinh tế Mỹ tăng trưởng nhờ có nguồn tài chính lớn hơn, cho dù đó chỉ là vay nợ.

Thực chất của Quantitative Easing là duy trì hoạt động của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính cũng như tài chi cho thâm hụt ngân sách nhà nước. Triết lý của FED là nhờ có tín dụng rẻ như cho không ấy mà kinh tế, thị trường lao động, ngân hàng và tiêu dùng tư nhân đều sôi động trở lại.

Có thể thấy qua đó tình thế khó xử của FED. Không phải FED không ý thức được nguy cơ về "bong bóng tài chính" từ việc in tiền để bơm vào thị trường tài chính thông qua mua trái phiếu nhà nước. Càng kéo dài chính sách này thì nguy cơ bong bóng tài chính vỡ tung ngày càng lớn, tác động ngày càng tai hại và việc thoái dần ra khỏi chính sách đó ngày càng thêm khó khăn, thậm chí không loại trừ cả nguy cơ bùng nổ khủng hoảng mới.

Nhưng nếu không tiếp tục thì FED lo ngại kinh tế Mỹ lại suy thoái, tình hình trên thị trường lao động lại trầm trọng và như thế lại khủng hoảng. Đối với FED, tiếp tục Quantitative Easing không phải không có mạo hiểm lớn, nhưng nếu từ bỏ ngay từ bây giờ thì lại gặp nhiều rủi ro.

Tác động

Kinh tế, thị trường và đồng bản tệ của Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế thế giới nên quyết định của FED tiếp tục Quantitative Easing có tác động mạnh mẽ tới cả bên ngoài nước Mỹ. Chừng nào mặt bằng lãi suất ở Mỹ còn thấp như thế và USD vẫn rẻ như thế thì chừng đó dòng tiền vẫn còn từ Mỹ chảy ra nước ngoài, thị trường chứng khoán còn sôi động và những nước "chủ nợ" của Mỹ, cả dưới hình thức dự trữ ngoại hối bằng USD lẫn mua trái phiếu của Mỹ, đều gặp khó khăn bởi USD mất giá và lãi suất trái phiếu thấp.

Về lâu dài, việc FED tiếp tục in thêm tiền bơm vào thị trường tài chính như thế rất tai hại đối với FED, kinh tế Mỹ và cả kinh tế thế giới. Nó cho thấy FED đang bế tắc về giải pháp gây dựng tăng trưởng kinh tế bền vững cho nước Mỹ, từ chủ động điều hành chính sách tiền tệ đến chỗ bị đẩy vào tình thế "đâm lao phải theo lao". Khối lượng tiền khổng lồ mà FED in thêm và bơm vào thị trường tài chính chẳng khác gì quả bom nổ chậm nếu FED không nhanh chóng có chiến lược và lộ trình thích hợp để thoát ra khỏi chính sách Quantitative Easing một cách có kiểm soát.