GNI, kinh tế tư nhân và sự bất định của thế giới

Theo nhandan.com.vn

Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp diễn ra là một sự kiện vô cùng quan trọng với cả hệ thống chính trị và đất nước Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cùng với Dự thảo Báo cáo Chính trị và Báo cáo Xây dựng Đảng, Báo cáo Kinh tế - xã hội được chia thành hai Báo cáo, gọi tóm tắt là Báo cáo 5 năm (đánh giá giai đoạn 2016-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025) và Báo cáo 10 năm (đánh giá giai đoạn 2011-2020, phương hướng nhiệm vụ 2021-2030).

Quá trình chuẩn bị Dự thảo Văn kiện Kinh tế - xã hội là rất công phu, nội hàm quan điểm phát triển bao trùm và các mục tiêu cụ thể.

Tuy vậy, cần đặt trọng tâm, ưu tiên trong một số vấn đề như: sử dụng chỉ số GNI hay GDP; giải quyết vấn đề gốc rễ của kinh tế tư nhân để phát huy khát vọng tự cường; và chuẩn bị một khả năng chống chịu, phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

GNI hay GDP ?

Dự thảo đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam gia nhập vào nhóm có thu nhập trung bình cao, tức sử dụng chỉ số GNI nhưng đồng thời cũng dùng GDP trong nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.

TS. Võ Đình Trí.
TS. Võ Đình Trí.

Mặc dù GDP và GNI là hai chỉ số quan trọng khi đánh giá, so sánh các nền kinh tế nhưng mỗi chỉ số có một điểm nhấn khác nhau. Nếu GDP chú trọng đến sự tăng trưởng, quy mô kinh tế qua các hoạt động sản xuất kinh doanh có tạo giá trị gia tăng thì GNI lại chú trọng đến sự thịnh vượng.

Trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thường sử dụng GDP thì Liên hợp quốc (LHQ) và Ngân hàng Thế giới (WB) chuộng GNI hơn.

Việc lựa chọn GDP hay GNI làm chỉ số kinh tế chủ đạo sẽ ảnh hưởng lớn đến mô hình phát triển của mỗi quốc gia.

Chọn GDP nghĩa là ghi nhận toàn bộ hoạt động kinh tế trên lãnh thổ, trong đó xác định phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài thông qua FDI.

Trong khi đó chọn GNI là dựa vào nguồn lực trong nước là chính. Mặc dù GNI cũng không thể phản ảnh được hoàn hảo mức độ phát triển của một quốc gia hay đo lường phúc lợi nhưng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy GNI có mối liên hệ chặt chẽ với một số chỉ số về chất lượng cuộc sống. Do vậy, nếu hướng đến một nền kinh tế vững chãi và bền vững thì GNI là một sự lựa chọn tốt hơn GDP.

Kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập cần chuyển sang mô hình phát triển phù hợp hơn vì không thể tiếp tục dựa vào tài nguyên thiên nhiên hay dòng vốn FDI thế hệ cũ.

Sự dịch chuyển từ lượng sang chất, từ chiều rộng sang chiều sâu để sự phát triển về kinh tế gắn liền với chất lượng cuộc sống được nâng cao, khoảng cách giữa các vùng miền được thu hẹp, nhất là y tế và giáo dục.

Cụ thể hơn về phát triển kinh tế tư nhân

Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần này, khát vọng phát triển đất nước và ý chí tự cường đã được xem là một trong năm quan điểm phát triển chính của đất nước trong thời kỳ mới.

Tuy vậy, cần cụ thể hơn ở trách nhiệm tiên phong, dẫn dắt của các cấp lãnh đạo cao nhất và các doanh nhân trong nước.

Sự phát triển của Việt Nam giai đoạn vừa qua phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể là FDI nhưng sự hấp thụ hiệu ứng chuyển giao công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Quan điểm phát triển nâng tầm vai trò của kinh tế tư nhân tiếp nối từ các Đại hội trước là một chủ trương rất đúng đắn và quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng có lẽ, khu vực kinh tế tư nhân cần một sự cụ thể, hay nói khác hơn là một sự cam kết từ quan điểm phát triển được nêu trong Văn kiện.

Đối với các doanh nghiệp hay tập đoàn tư nhân lớn, điều mà những người chủ doanh nghiệp quan tâm là sự an tâm về chính sách. Họ không thể đầu tư vốn liếng lớn dài hạn cho sản xuất, nghiên cứu phát triển nếu mức độ rủi ro cao, thay vào đó họ sẽ tập trung vào các ngành có sự luân chuyển vốn nhanh, ngắn hạn.

Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không được tạo điều kiện và hỗ trợ thì họ không thể nào cạnh tranh được với các tập đoàn tư nhân lớn, từ đó họ không thể đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Kịch bản chống sốc cho nền kinh tế

Năm 2020 kinh tế thế giới nhiều lần bị chao đảo bởi căng thẳng chiến tranh thương mại, rồi hệ lụy của Covid-19 vẫn chưa biết khi nào kết thúc.

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu đã không còn là mơ hồ với những thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại về kinh tế toàn cầu mỗi năm ước tính gần 150 tỷ USD, đó còn chưa tính đến một con số lớn hơn rất nhiều cho việc phòng tránh, giảm thiểu thảm họa.

Thế giới ngày càng bất định hơn là một điều không thể tránh khỏi nên ngày càng có nhiều quốc gia, tổ chức phải dành nguồn lực cho việc xây dựng khả năng chống chịu, phục hồi và phát triển (resilience).

Các mục tiêu kinh tế trong 5-10 năm là quan trọng nhưng không cần phải đạt được mục tiêu bằng mọi giá khi chi phí của môi trường, sức khỏe trong dài hạn là lớn hơn.

Quan điểm phát triển của Việt Nam trong Dự thảo Văn kiện đã có đề cập đến khả năng thích ứng của nền kinh tế, nhưng cần cụ thể hơn với việc làm nổi bật khả năng chống chịu, phục hồi và phát triển.

TS. Võ Đình Trí

Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và Trường IPAG Business School Paris - thành viên Tổ chức AVSE Global (Khoa học và Chuyên gia Việt Nam).