Gỡ “nút thắt” thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù vậy, trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp phải những khó khăn, nhất là tiếp cận vốn tín dụng.
Những rào cản cản trở sự phát triển kinh tế tư nhân
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa - Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh và đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự phát triển của kinh tế tư nhân đã làm thay đổi nhận thức, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân. Đến nay, Đảng ta xác định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Đến nay, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, song với xu thế hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, thì việc rà soát, đánh giá và tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân là rất cần thiết.
Tham luận tại Hội thảo, bà Mai Lan Hương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, năm 2017, cả nước có khoảng trên 700.000 DN hoạt động, trong đó 97% là DN vừa và nhỏ, chủ yếu thuộc kinh tế tư nhân. Riêng năm 2017 có 126.000 DN thành lập mới, tăng 16.000 DN so với năm 2016.
Trong năm 2018, có 87.450 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng trên tổng số hơn 600.000 DN vừa và nhỏ đang hoạt động, chiếm khoảng 97,5% số DN đăng ký...
Nhận định về vai trò và đóng góp của kinh tế tư nhân vào ngân sách nhà nước, bà Mai Lan Hương cho hay, hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 30% thu ngân sách nhà nước; đặc biệt, khu vực kinh tế này còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo.
Bên cạnh những đóng góp của khu vực này với nền kinh tế, bà Hương cho rằng, hiện kinh tế tư nhân đang gặp phải những khó khăn, thách thức như: Hệ thống pháp luật về kinh tế tư nhân chưa đầy đủ và hoàn thiện; nhiều quy định còn chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, thống nhất…
Chẳng hạn, trong số 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành chưa đúng thẩm quyền.
Đặc biệt, khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của các DN còn gặp nhiều trở ngại. Theo kết quả phân tích của Ngân hàng Thế giới, thì có 24,7% DN Việt Nam năm 2015 coi tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với Indonesia là 6,3%, Thái Lan là 4,9% và Malaysia là 0,9%. Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính vẫn là trở ngại lớn nhất của DN.
Ngoài các “nút thắt” trên, đa số các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam có khả năng cạnh tranh yếu và trung bình. Thực tế cho thấy, có rất ít sản phẩm có thương hiệu Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Đa số sản phẩm xuất khẩu là hàng gia công, sơ chế và phụ thuộc nhiều vào cơ chế ưu đãi, tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ...
Theo các chuyên gia, những rào cản trên đã làm cho khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát huy hết được tiềm năng để đóng vai trò một động lực quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, để kinh tế tư nhân thực sự phát triển thì cần sớm có giải pháp đồng bộ.
Gỡ “nút thắt” thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có hơn 1,5 triệu DN và có ít nhất 2 triệu DN vào năm 2030, Việt Nam cần sớm gỡ các “nút thắt” trên. Trong đó, cần giải quyết tốt hai vấn đề lớn, đó là tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân tháo gỡ những khó khăn, rào cản hiện nay.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế tạo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tư nhân trong điều kiện hội nhập kinh tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ kinh tế tư nhân tháo gỡ những khó khăn thông qua chính sách tài chính, tín dụng, đất đai…
Đồng tình với quan điểm trên, nhóm nghiên cứu Ngô Ánh Nguyệt và Phạm Thị Mai Huyên, Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh cho rằng, các chính sách cần hướng đến việc hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động như khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, cần phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Các chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cần phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ của DN…