Gỡ lãi suất khoản vay cũ cho doanh nghiệp

Theo vietnamnet.vn

(Tài chính) Thủ tướng cho rằng, trong khi khoản vay mới có lãi suất thấp, doanh nghiệp (DN) vẫn phải gánh các khoản vay cũ có lãi suất cao 15% hoặc hơn. Ông gợi ý Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tìm cách cơ cấu khoản vay cũ lại để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN.

Gỡ lãi suất khoản vay cũ cho doanh nghiệp
NHNN tìm cách cơ cấu khoản vay cũ lại để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN. Nguồn: internet

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập vấn đề trên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4. Đề cập tăng dư nợ tín dụng phải gắn với giải quyết nợ xấu, Thủ tướng cũng nhắc những khoản vay cũ có lãi suất cao mà DN đang phải gồng.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, đến ngày 31/3 tăng trưởng tín dụng là 0,01%, tốc độ tăng tín dụng cả năm đảm bảo mục tiêu đề ra 12-14%. Trong quý I, đã tăng dự trữ ngoại tệ thêm 7,7 tỉ USD, vì thế phải đưa ra lượng tiền tương đương nhưng đã không tác động vào lạm phát và ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.

Thủ tướng lưu ý tăng dự trữ ngoại tệ 7,7 tỉ USD mà không đẩy lạm phát cần phát huy và rút kinh nghiệm 2007 mua vào 10 tỉ USD nhưng rút tiền không hợp lý dẫn đến 2008 lạm phát tăng cao. Thủ tướng cho rằng 3 tháng đầu năm nổi lên vấn đề tăng tổng cầu còn chậm trong khi kinh tế vĩ mô ổn định.

“Phải tăng tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng. Mà điều này phụ thuộc tăng trưởng tín dụng, trong khi tăng trưởng tín dụng mới “nổi lên mặt đất” là 0,01% cần phải san đều ra cả năm’.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh băn khoăn việc dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp chỉ có 0,01% phải được làm rõ tại sao DN tiếp cận vốn còn hạn chế ngược với sản xuất lại tăng trưởng.

Thống đốc Bình cho biết năm 2014 sẽ triển khai đợt 2 chương trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng. Theo đó, dự kiến, trong năm nay sẽ xử lý 6-7 ngân hàng thương mại qua các hình thức hợp nhất, sáp nhập đưa tổng số các ngân hàng thương mại giải thể rút giấy phép từ trước đến giờ lên con số 7-10 ngân hàng.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, vốn ODA giải ngân trong quý I ước đạt 364 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay đến cuối tháng 3, tổng lượng trái phiếu đã phát hành khoảng 90.000 tỉ đồng, riêng trái phiếu chính phủ (trái phiếu chính phủ) khoảng 75.000 tỉ đồng. Số này phù hợp kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 300.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Bình, qua theo dõi tốc độ giải ngân còn rất chậm, số dư trái phiếu dao động 63.000 tỉ đồng, nếu số dư còn 20.000 tỉ đồng là “đẹp”. “Đề nghị các bộ, ngành vào cuộc giải ngân. Tiền ngân hàng Bộ Tài chính đã lo đủ giờ chỉ lo đầu ra. Cùng với việc đẩy mạnh tín dụng ra thì quý II phải đẩy mạnh đầu tư ngân sách mới có thể đạt GDP trên 6%” - ông Bình nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lo ngại mục tiêu giải ngân nguồn vốn ODA trong năm là 8 tỉ USD đang gặp trở ngại và căng về vốn đối ứng. Theo đó, nguồn vốn đối ứng thấp hơn năm 2013 vì chỉ có 2.500 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ mà không có vốn ngân sách.

Đề cập giải pháp, Thủ tướng cho rằng 60.000 tỉ đồng đang nằm chờ là do thiếu vốn đối ứng và giải phóng mặt bằng chậm.

“Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính rà soát để cố gắng cân đối vốn đối ứng. Còn giải phóng mặt bằng có luật rồi, một mặt lo quyền lợi người dân nhưng phải đảm bảo lợi ích chung. Cả đoạn dài bị vướng một khúc. Toàn đảng viên, cán bộ ta cả, phải kiên quyết, vận động thực hiện đúng chính sách. Nếu vận động, vận dụng hết chính sách rồi mà không xong thì cương quyết cưỡng chế” - Thủ tướng yêu cầu. Trước mắt tập trung lo đủ vốn cho công trình nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 14, các đường cao tốc cũng vậy.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết Bộ đã yêu cầu các địa phương báo cáo số cầu treo cần đầu tư là hơn 4.400. Bộ cũng rà soát đánh giá lại nhu cầu cần khoảng 2.200 cái, trong đó có 166 cầu bức thiết.

“Trong khi chúng ta đang đầu tư rất nhiều sân bay, bến cảng, đường cao tốc lớn nhưng người dân ở vùng sâu vùng xa lại thiếu những cây cầu thiết yếu” - ông Thăng phát biểu đồng thời đề xuất tới đây tận dụng nguồn vốn dư từ dự án nâng quốc lộ 1 để đầu tư một loạt cầu treo cần thiết. “60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi mà người dân đi qua suối bằng túi nilon thì rất có vấn đề” - ông Thăng bày tỏ.

Về đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bộ ngành chức năng và địa phương trước mắt tập trung cân đối nguồn vốn đề đầu tư làm cầu treo bức thiết.