Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Để tạo thuận lợi cho khách hàng, rút ngắn thời gian thẩm định, xem xét cho vay, giảm khối lượng công việc trong công tác thẩm định, Quỹ và các ngân hàng thương mại (NHTM) thống nhất chỉ thẩm định một lần…

Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp
Quỹ và các NHTM thống nhất chỉ thẩm định một lần. Nguồn: internet

Thêm liên kết đẩy nguồn vốn

Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Đà Nẵng và 11 chi nhánh NHTM trên địa bàn vừa ngồi lại với nhau, cùng ký kết biên bản ghi nhớ thống nhất hợp tác, tạo thuận lợi để DNNVV được bảo lãnh tín dụng. Các bên cam kết phối hợp trong việc giới thiệu khách hàng đến Quỹ và đến các NHTM.

Cụ thể, khi có khách hàng đề nghị Quỹ cấp bảo lãnh tín dụng, nếu đồng ý thì Quỹ có thể giới thiệu khách hàng đến các NHTM. Ngược lại, khi khách hàng đến các NHTM đề nghị vay vốn nhưng chưa được các NHTM chấp thuận vì chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo), các NHTM giới thiệu khách hàng đến Quỹ để được xem xét cấp bảo lãnh tín dụng vay vốn tại các NHTM.

Để tạo thuận lợi cho khách hàng, rút ngắn thời gian thẩm định, xem xét cho vay, giảm khối lượng công việc trong công tác thẩm định, Quỹ và các NHTM thống nhất chỉ thẩm định một lần…

Đây là động thái mới và là sự kiện quan trọng trong “Năm DN Đà Nẵng - 2014” của TP. Đà Nẵng, với mục tiêu đặt ra tập trung gỡ khó khăn, giúp DN duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách trong dài hạn. Việc làm này đặc biệt có ý nghĩa đối với các DNNVV trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo Hội DNNVV Đà Nẵng, hiện thành phố có khoảng 13.959 DN, với tổng vốn điều lệ hơn 67.000 tỷ đồng, hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ (mức vốn dưới 1 tỷ đồng, chiếm 65% số DN). Do quy mô nhỏ, mang tính gia đình, năng lực sản xuất, quản lý DN, quản lý tài chính, quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế nên các DN rất dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó chủ tịch thường trực Hội DNNVV TP. Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng suy thoái và khó khăn của kinh tế trong nước, DN trên địa bàn chịu tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính riêng năm 2012, Đà Nẵng có 3.000 DN ngừng hoạt động, 286 DN giải thể; năm 2013, trên có 272 DN giải thể, 492 DN ngừng hoạt động, 454 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài những nguyên nhân như quản lý kém, bế tắc đầu ra, thì nguyên nhân chủ yếu tác động đến DN Đà Nẵng vẫn là vốn.

Không minh bạch còn khó vay vốn

Trước thực tế DN đối mặt với muôn vàn thách thức, để từng bước tháo gỡ những nút thắt, hỗ trợ vốn cho DN, chính quyền thành phố thành lập các Quỹ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ DNNVV, Quỹ đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn từ các quỹ này của DN còn nhiều khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Kim Nữ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiên Kim, DN rất cần vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc làm hồ sơ vay vốn tại các quỹ hỗ trợ DN.

Còn đại điện một DN trên địa bàn cho rằng, DN vẫn chưa thể tiếp cận được các quỹ do những điều kiện vay vốn đặt ra quá khắt khe. Bởi trong giai đoạn hiện nay, DN đang gặp khó khăn, nếu các quỹ áp dụng các điều kiện xét như không nợ thuế, không nợ bảo hiểm xã hội… thì rất khó có thể tiếp vốn tới DN.

Nhiều DN kiến nghị với UBND TP. Đà Nẵng trước khi ban hành chính sách cần lấy ý kiến của DN để tránh tình trạng DN chạy theo sau chính sách. Đặc biệt, cần tăng cường chức năng phản biện của Hiệp hội để biết nhu cầu của DN đang cần.

Đề cập đến vấn đề hỗ trợ DN, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho hay, các chính sách hỗ trợ DN không chỉ dừng lại cho “Năm DN Đà Nẵng - 2014” mà khởi đầu cho một chiến lược lâu dài của địa phương đến năm 2020.

Xuất phát từ tình hình thực tế, Đà Nẵng sẽ xây dựng khung pháp lý hoạt động phù hợp, các chính sách cần thiết để hỗ trợ DN, tạo ra môi trường thuận lợi cho tất cả các DN phát triển.

Vì vậy, trong năm 2014, chính quyền TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, chính sách thuận lợi để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, theo ông Khương, thành phố và DN cần sòng phẳng với nhau rằng, thành phố hỗ trợ DN, ngược lại DN cần phải có nghĩa vụ đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.

Nhiều DN nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, hoặc trốn thuế nhà nước… làm sao các quỹ hoặc ngân hàng có thể cho DN vay được? Vậy nên, khi cho vay, các Quỹ cần phải có điều kiện và cân nhắc, nếu những khó khăn mang tính nhất thời thì vẫn có thể xem xét hỗ trợ cho DN.

Về phía DN, cũng cần có những định hướng cụ thể trong chiến lược phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản trị; đặc biệt là công khai, minh bạch sổ sách tài chính. Về vấn đề này, ông Lê Văn Minh, Giám đốc SeABank Đà Nẵng khẳng định, nguồn vốn của ngân hàng hiện có nhiều, nhưng vướng mắc của DN lâu nay là báo cáo tài chính không trung thực và đề án vay vốn không rõ ràng.

Đa phần DN tồn tại 2 hệ thống báo cáo tài chính: báo cáo cho thuế thì “thua lỗ”, còn báo cáo gửi ngân hàng luôn là bản với những con “số đẹp”. Đề án xin vay vốn cho mục đích kinh doanh này nhưng khi được vay lại sử dụng vào mục đích khác… Điều này khiến các DN tự làm khó mình…