Gỡ vướng cho các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
(Tài chính) Ngày 27/11/2013, dưới sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, Tổng cục Hải quan tổ chức buổi họp bàn xử lý vướng mắc về thuế Giá trị gia tăng đối với mặt hàng phụ gia chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi.
Tham dự buổi họp có đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thuế, Thanh tra (Bộ Tài chính), Tổng cục Thuế, Cục thuế Hà Nội, cùng đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan và lãnh đạo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đại diện hơn 10 doanh nghiệp hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, buổi họp này là để giải quyết các vướng mắc cho các DN NK trong việc áp mã HS và tính thuế GTGT đối với các sản phẩm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Cuộc họp này cũng là để các đơn vị trong Bộ Tài chính thống nhất các phân loại mặt hàng này.
Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT và Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 123/2008/NĐ-CP, Khoản 3 Điều 10, Điều 11 Thông tư 06/2012/TT-BTC thì “thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác bao gồm các loại đã qua chế biến hoặc chưa chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm và các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm và vật nuôi” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5%; “thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này”.
Do Khoản 3 Điều 10 Thông tư 06/2012/TT-BTC chỉ quy định áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5% đối với thức ăn chăn nuôi, không quy định đối với phụ gia, chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi, do đó cơ quan Hải quan đã thu thuế GTGT đối với phụ gia, chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi là 10%.
Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi đã không đồng tình với lý do: Các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm và vật nuôi (theo quy định Khoản 3 Điều 10 Thông tư 06/2012/TT-BTC) là các loại thức ăn bổ sung thuộc nhóm các loại amino axit: lysine, methilnine… các nguyên liệu khoáng, vi khoáng, các loại chế phẩm enzyme, các loại chất chống độc, các chế phẩm hấp dẫn lợn con tập ăn, các loại mùi, mầu, vị… tất cả các loại nguyên liệu này đều xem là các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thông tư 06/2012/TT-BTC chỉ ghi tóm tắt là “các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm và vật nuôi” thì phải hiểu tất cả các loại nguyên liệu như trên đều là thức ăn chăn nuôi.
Đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, trong khi cơ quan Hải quan phân loại và tính thuế mặt hàng này đều căn cứ vào Luật thuế GTGT và Thông tư 06/2012/TT-BTC thì các DN lại căn cứ vào Nghị định 08/2010/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc áp mã HS của các sản phẩm NK các DN đều căn cứ vào Danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành…
Phân tích cho các DN hiểu rõ, bà Lỗ Thị Nhụ- Cục trưởng Cục thuế XNK cho biết, trong Danh mục HS không có khái niệm phụ gia thức ăn chăn nuôi mà tùy theo tính chất và cấu tạo của từng sản phẩm cụ thể sẽ phân loại ở những mã số HS khác nhau. Mặt hàng chất phụ gia, chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi thuộc rất nhiều mã số, tùy thuộc vào thành phần mà phân loại vào các chương, nhóm khác nhau như: chương 7, chương 10, chương 11, chương 23… của Biểu thuế NK ưu đãi, không phải chỉ ở nhóm 2309 như Hiệp hội đã nêu.
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã quy định, nguồn pháp lý và quy định cao nhất trong việc áp mã HS cho các sản phẩm XNK là dựa theo quy định tại Danh mục hàng hóa XNK của Bộ Tài chính. Vì vậy, theo nguyên tắc phân loại cơ quan Hải quan đã làm đúng.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của DN, bà Lỗ Thị Nhụ cho rằng, ở góc độ là cơ quan thực thi, cơ quan Hải quan cũng gặp khó khăn trong việc vận dụng các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là có sự khác biệt về mô tả hàng hóa ở hai danh mục do 2 cơ quan ban hành. Vì vậy, cần phải rà soát lại Danh mục hàng hóa để sửa đổi mã HS của các sản phẩm sao cho đúng. Đối với những vướng mắc thực tế của DN, cần phải trình ở cấp cao hơn để có sự thống nhất.
Lắng nghe những phản ánh của các DN cũng như ý kiến của các đơn vị liên quan, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, vướng mắc của các DN NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng chính là vướng mắc của cơ quan Hải quan. Trước những văn bản có độ vênh khác khau thì Hải quan là cơ quan thực thi pháp luật cũng sẽ gặp khó khăn như các DN.
Đồng tình với quan điểm của các DN là chính sách thuế phải ủng hộ cho nông nghiệp phát triển, Phó Tổng cục trưởng cho rằng, chính sách thuế cần phải rõ ràng và phải được áp dụng thống nhất. Theo đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như ý kiến đề nghị của các DN, Tổng cục Hải quan sẽ trình Bộ Tài chính áp dụng mức thuế GTGT 5% đối với thức ăn chăn nuôi và những phụ gia chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các DN rà soát lại mã HS cũng như mức thuế suất của các mặt hàng mặt hàng này góp ý cho Bộ Tài chính trong việc xây dựng Danh mục Biểu thuế các mặt hàng được phù hợp với thực tế hoạt động XNK.