Gỡ vướng mắc trong giải quyết khiếu nại lĩnh vực đất đai
“Ngành Tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các đơn, thư khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai, tiến tới thành lập tổ chuyên phân loại đơn, thư khiếu nại để giải quyết một cách nhanh chóng, chính xác”.
Nội dung này được ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết ngày 1/11, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND TP. Hồ Chí Minh về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị và phản ánh của người dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP.
Tại buổi làm việc, ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP, cũng cho biết, hiện còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các quy định pháp luật về công tác cấp giấy chứng nhận. Vướng mắc khá phổ biến là người sử dụng đất chưa thực hiện chứng nhận quyền sở hữu tài sản theo quy định mà đã bán, chuyển nhượng nên các cơ quan không có cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản cho người nhận chuyển nhượng. Đối với các trường hợp này, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Văn phòng đăng ký đất đai TP nhận được nhiều hồ sơ từ các chi nhánh và đơn, thư của người dân đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về việc chứng nhận quyền sở hữu trong trường hợp này.
Cũng theo ông Dư Huy Quang, một tình trạng cũng khá phổ biến là thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận cho nhiều thành viên cùng sử dụng theo hình thức sử dụng chung và một số thành viên trong đó chuyển nhượng phần quyền sử dụng của mình. Sau đó, người nhận chuyển quyền sử dụng và các thành viên còn lại đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận mới để tiếp tục trở thành đồng sở hữu. Do Luật Đất đai chưa có quy định rõ về chuyển nhượng một phần quyền của nhóm người đồng sở hữu nên Sở TN-MT chưa có cơ sở giải quyết.
Trong năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 1.177 đơn, trong đó có 234 đơn thuộc thẩm quyền sở, đã giải quyết 87 vụ việc thuộc thẩm quyền. Văn phòng đăng ký đất đai TP cũng tiếp nhận 1.642 đơn liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận và các vấn đề thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có 1.233 đơn thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 749 đơn, số còn lại sẽ xử lý trong quý 4-2018 và quý 1-2019.
Tuy nhiên, các đại biểu HĐND chưa đồng thuận với nhận định của Sở TN-MT vì việc trễ tách thửa đất nông nghiệp, đất ở thuộc quy hoạch hỗn hợp, quy hoạch xây dựng mới, gặp vướng mắc khó khăn khiến dân bức xúc. Sở mới chỉ thống kê số đơn, thư sở nhận mà chưa thống kê đơn, thư của các quận, huyện gửi lên.
Đơn cử như huyện Củ Chi, một trong những địa phương có tình trạng trễ hạn hồ sơ nhiều nhất. Từ khi thành lập chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi đến nay thì liên tục xảy ra tình trạng trễ hạn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, huyện chuyển lên gần 3.200 hồ sơ thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai TP ký thì chỉ có 32 hồ sơ đúng hạn, chiếm tỷ lệ 1%. Còn lại 3.158 hồ sơ trễ hạn, chiếm 99%. Theo huyện Củ Chi thống kê, khoảng 78% hồ sơ trễ hạn 11 - 20 ngày. Các địa phương khác cũng thông báo có tình trạng hồ sơ trễ hạn như quận 9, quận 12, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn…
Để giải quyết các vướng mắc trên, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải lưu ý, đơn, thư khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm số lượng lớn, đơn vị chức năng cần đảm bảo đúng quy trình về tiếp nhận, phân loại, giải quyết đúng thời hạn. Đối với 234 đơn, thư thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT, cần tập trung giải quyết dứt điểm. Những đơn, thư không thuộc thẩm quyền, sở cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương để xử lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường tiến độ cấp giấy chứng nhận vì nhu cầu cấp giấy chứng nhận của người dân hiện rất lớn nhằm hợp thức hóa đất và tài sản đang sử dụng.