Gỡ vướng quy định về bảo hiểm đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính đã giải đáp nhiều ý kiến vướng mắc của các đại biểu Quốc hội, trong đó có những nội dung liên quan đến chính sách phát triển thủy sản.
Tại Công văn số 6938/VPCP-QHĐP cử tri tỉnh Phú Yên có thắc mắc như sau: Việc giao cho Công ty cổ phần Bảo Minh được độc quyền bán bảo hiểm cho ngư dân có đăng ký vay vốn hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là không hợp lý. Cử tri kiến nghị Chính phủ nên để ngư dân tự lựa chọn hình thức bảo hiểm, lựa chọn công ty bảo hiểm, vì hiện nay Bảo Minh Phú Yên đưa ra nhiều căn cứ không hợp lý khi khách hàng đưa ra yêu cầu bồi thường hợp đồng bảo hiểm và còn chậm trong việc thanh toán, chi trả một số chế độ khác.
Giải đáp vướng mắc trên, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể những nội dung trên tại Công văn số 10336/BTC-QLBH. Theo đó, Bộ Tài chính khẳng định, việc giao cho Công ty cổ phần Bảo Minh được độc quyền bán bảo hiểm cho ngư dân có đăng ký vay vốn hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là không hợp lý.
Bộ Tài chính nêu rõ, quy định về hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận triển khai và yêu cầu đối với doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, bao gồm các yêu cầu về năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, mạng lưới chi nhánh và kinh nghiệm triển khai bảo hiểm khai thác hải sản.
Hiện nay, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng đầy đủ về hồ sơ và yêu cầu tham gia triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, bao gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico), Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI). Đây cũng là các doanh nghiệp đứng đầu thị trường về năng lực tài chính, quan trị doanh nghiệp, mạng lưới chi nhánh và kinh nghiệm triển khai bảo hiểm khai thác hải sản.
Theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Thông tư số 115/2014/TT-BTC, ngư dân thuộc danh sách được Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển (bao gồm tỉnh Phú Yên) phê duyệt đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP khi có nhu cầu tham gia bảo hiểm có thể lựa chọn Bảo Minh hoặc bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào trong số các doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên để tham gia bảo hiểm.
Bảo Minh Phú Yên đưa ra nhiều căn cứ không hợp lý khi khách hàng đưa ra yêu cầu bồi thường hợp đồng bảo hiểm và còn chậm trong việc thanh toán, chi trả một số chế độ khác...
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã giám sát chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác, cấp đơn bảo hiểm theo đúng chính sách, chế độ quy định và giải quyết bồi thường kịp thời cho ngư dân theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan.
Theo báo cáo của Bảo Minh, tại địa bàn tỉnh Phú Yên, Bảo Minh đã gặp phải trường hợp chủ tàu tham gia bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thông báo vị trí xảy ra tổn thất của tàu cá nằm ngoài vùng hạn chế hoạt động theo phân cấp tại Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật do Cơ quan đăng kiểm Phú Yên cấp. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của ngư dân, Bảo Minh đã có công văn gửi Tổng cục Thủy sản đề nghị xác nhận vị trí tổn thất so với quy định pháp luật về vùng được phép hoạt động của tàu cá để làm căn cứ xem xét giải quyết bồi thường.
Trên cơ sở văn bản của Tổng cục Thủy sản xác nhận tàu cá bị tổn thất trên là hoạt động đúng theo quy định của pháp luật cho phép, Bảo Minh đã kịp thời giải quyết bồi thường cho chủ tàu theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật liên quan, đồng thời hướng dẫn Công ty Bảo Minh Phú Yên giải quyết cho các trường hợp tương tự.