Gỡ vướng về thủ tục pháp lý cho dự án nhà ở
Hàng loạt dự án bất động sản đã giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đã chuẩn bị năng lực tài chính nhưng “ách tắc” về các thủ tục pháp lý đầu tư nên chưa thể khởi công, buộc phải “đóng băng” nhiều năm, có dự án kéo dài 11 năm.
Tắc nghẽn cả chục năm trời
Tình trạng các “ông chủ” doanh nghiệp bất động sản vấp phải những thủ tục pháp lý để rồi dự án kéo dài, “đóng băng” đang xảy ra tại nhiều địa phương. Điển hình như dự án khu nhà ở, trung tâm thương mại và siêu thị Đông (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) của Công ty cổ phần Dệt Đông Nam đã trình hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất cho dự án từ năm 2017 nhưng đến nay dự án vẫn chưa được chấp thuận.
Theo chủ đầu tư này, trong quá trình thực hiện thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất ngày 26/12/2016, công ty đã hoàn tất thủ tục ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật với số tiền ký quỹ là hơn 43 tỉ đồng…
Được biết, từ ngày 1/9/2021, khi Nghị định 67/2021/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công có hiệu lực đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho các đối tượng công ty cổ phần nhưng không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này gây rất nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình xử lý các hồ sơ giao đất, triển khai dự án.
Dẫn đến việc giải quyết các thủ tục kéo dài do đó chưa biết khi nào dự án mới có thể được triển khai các bước tiếp theo. Công ty cũng đề nghị UBND TP chấp thuận giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp để triển khai thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào hoạt động.
Trong khi đó, với trường hợp của dự án Metro Star (số 360 Xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A, TP.Thủ Đức) của Công ty TNHH Đầu tư Metro dù đã đáp ứng các điều kiện được điều chỉnh chủ trương đầu tư, tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn chưa được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Tương tự với dự án Khu chung cư thương mại, văn phòng Nguyên Hồng (tại số 18 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp) của Công ty Cổ phần Bất động sản Nguyên Hồng, dù doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện được điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn chưa được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Tháo gỡ cho nhà thương mại, nhà ở xã hội
Trước những “ách tắc” của các dự án bất động sản, nhiều ý kiến chuyên gia, Hiệp hội, thậm chí các cơ quan nhà nước cũng đã rà soát đưa ra các phương án nhằm giải quyết, tháo gỡ. Nhưng thực tế, việc gỡ vướng này vẫn còn chậm, chưa được như kỳ vọng.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), đơn vị này đã có 2 văn bản gửi UBND TP và Sở Xây dựng báo cáo tổng hợp kiến nghị của 95 doanh nghiệp bất động sản đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc cho 102 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội.
Ngay sau đó, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở và các đơn vị liên quan, khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp.
Đồng thời kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo xin ý kiến UBND TP để xem xét, quyết định. Ngày 21/5/2022, ông Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành để xem xét, xác định hướng xử lý 64 dự án theo báo cáo của HoREA.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến nay mọi thứ vẫn chưa có sự thay đổi. Không những thế lại có thêm các doanh nghiệp tiếp tục cầu cứu về những bất cập, vướng mắc, khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình triển khai dự án.
Chia sẻ thêm với Lao Động, một số chuyên gia cho rằng, nguồn cung nhà ở quá ít, giá nhà tăng cao. Nguyên nhân là do thiếu nguồn cung, thiếu dự án do những thể chế của mình còn nhiều khiếm khuyết.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nói bản chất hiện nay, khi làm dự án thì có rất nhiều thủ tục mà doanh nghiệp vướng phải. Thủ tục hành chính đơn thuần như việc làm dự án xin chủ trương, đến khi mà dự án có thể triển khai được là một quá trình rất dài, qua mấy chục con dấu.
Luật sư Hùng nói ở một số nước người ta quy hoạch phân khu ở đây 5 tầng, ở kia 3 tầng thì sau khi chủ trương người ta cho xây lên thì không cần phải giấy tờ xin nữa. Nhưng ở Việt Nam thì khi gặp một vấn đề dài, để một doanh nghiệp làm xong một dự án thì nhanh cũng phải 3 năm, thì thời gian chờ đợi là rất khó khăn.