Ưu tiên bố trí dự toán ngân sách năm 2023 để đẩy mạnh thực hiện các dự án quan trọng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2023 - 2025; trong đó hướng dẫn cụ thể việc xây dựng dự toán thu nội địa; dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; dự toán chi NSNN năm 2023...
Theo dự thảo Thông tư, dự toán NSNN năm 2023 được xây dựng theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, các mục tiêu theo các Nghị quyết của Trung ương.
Trên cơ sở đánh giá thực hiện năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023, chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2023, phù hợp với khả năng nguồn lực; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2023 tăng khoảng 7-9%
Dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023. Theo đó, xây dựng dự toán thu năm 2023 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu, do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các tác động thu ngân sách gắn với thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và việc bổ sung vốn điều lệ cho 03 ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Bên cạnh đó, xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và các nguồn thu từ đôn đốc thực hiện kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế...
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2023 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 7-9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022 (sau khi loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).
Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 tăng bình quân khoảng 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022.
Dự thảo Thông tư quy định, các địa phương xây dựng dự toán thu nội địa năm 2023 ngoài việc đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu quy định, phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu NSNN phát sinh trên địa bàn.
Dự toán thu NSNN năm 2023 phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai, đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các dự án mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phía và thu khác NSNN...
Xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023 đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách
Bên cạnh các quy định về dự toán thu NSNN năm 2023, dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể việc xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023.
Theo đó, xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023 thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, các luật có liên quan; các quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách, chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.
Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Ưu tiên nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở ở những nơi cần thiết, cấp bách, tăng cường thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Chú trọng cải cách hành chính theo hướng hiện đại, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiết giảm chi phí.
Đối với xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển, dự thảo Thông tư nêu rõ, ưu tiên bố trí dự toán năm 2023 để đẩy mạnh thực hiện các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh, có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội; thanh toán nợ xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật Đầu tư công, thu hồi vốn ứng trước NSNN; các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án hoàn thành trong năm 2023.
Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công - tư. Mức bố trí vốn cho từng nhiệm vụ phải phù hợp với Nghị quyết số 43/2022/QH15, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, việc điều chuyển nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trong hạn 2021 - 2025 và nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022; tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân trong năm 2023.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Thông tư nêu rõ, bộ, ngành địa phương lập riêng dự toán năm 2023 cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mức bố trí 2 năm 2022-2023 đối với các nhiệm vụ này theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, chi tiết theo ngành, lĩnh vực, kèm phụ lục chi tiết từng chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quyết định phê duyệt; tổng mức đầu tư được duyệt; thời hạn khởi công- hoàn thành; số bố trí dự toán năm 2022, số điều chuyển - nếu có và ước thực hiện đến ngày 31/01/2023; đề xuất dự toán năm 2023...