Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ là "cú hích” cho thị trường

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Chiều ngày 11/6, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đối thoại trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội. Tham dự có lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ là "cú hích” cho thị trường
Tình trạng khủng hoảng bất động sản hiện nay là do mất cân đối cung – cầu trên thị trường. Nguồn: Internet

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản, mà cụ thể là cho phân khúc nhà ở xã hội chỉ để tạo ra “cú hích” ban đầu cho thị trường bất động sản. Còn về lâu dài phải phải kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân…

Thứ trưởng Nam cũng cho biết. “Hiện nay nhu cầu về vốn của nền kinh tế là rất lớn nên phải huy động từ nhiều nguồn. Còn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng còn có tác dụng mồi, bắt buộc các ngân hàng thương mại (ngoài 5 ngân hàng tham gia chương trình tín dụng nhà ở xã hội) cũng phải cạnh tranh, cũng phải hạ lãi suất, cũng phải cho vay. Rồi các nhà cung cấp vật liệu, rồi doanh nghiệp, người dân cũng phải đưa ra một lượng vốn của bản thân để tham gia chương trình. Ngoài ra, các dự án có tính khả thi, có đầu ra rõ ràng, được hỗ trợ như thế này thì các nhà cung cấp vật liệu cũng sẽ gia tăng việc bán trước thu tiền sau cho các chủ đầu tư dự án. Như vậy, luồng vốn đi theo gói 30 nghìn tỷ đồng là rất lớn”.

Đồng thời ông cũng cho rằng, “ tùy theo hiệu quả của gói 30 nghìn tỷ đồng này thì tôi tin sau 3 năm nữa Chính phủ sẽ có thêm gói tín dụng tương tự. Hiện tại, tôi nghĩ rằng, không lo chuyện vốn ít hay nhiều mà làm sao triển khai có hiệu quả gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã có, giải ngân tốt, đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đến tay người thu nhập thấp, đến tay các dự án nhà ở xã hội, rồi chúng ta mới tính đến chuyện tiếp theo”.

Giải pháp tập trung vào nhà ở xã hội là hướng đi đúng, phù hợp

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khủng hoảng bất động sản hiện nay là do mất cân đối cung – cầu trên thị trường. Thị trường tập trung quá lớn vào các phân khúc không phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, như: căn hộ cao cấp, biệt thự. Trong khi đó, căn hộ có giá, quy mô vừa phải phù hợp với nhu cầu đích thực của dân và khả năng thanh toán của người dân thì còn thiếu. Chính vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, giải pháp của Bộ Xây dựng đưa ra tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội là hợp lý.

Đồng thời, ông cũng cho biết, Bộ Xây dựng đang đề xuất giải pháp chuyển một số dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc căn hộ có quy mô căn hộ lớn, khả năng thanh toán người dân không phù hợp thì chuyển sang quy mô vừa và nhỏ. Theo đó, hiện có 157 dự án nhà ở xã hội đang triển khai và từ đầu tháng 6 đã liên tục có những dự án nhà ở xã hội lớn được khởi công. Như tại Hà Nội từ đầu tháng 6 đã có 3 dự án như Dự án của HUD ở Tây Nam Linh Đàm với quy mô trên 1.000 căn; dự án của Viglacera ở Đặng Xá với quy mô 2.500 căn; rồi dự án ở Bắc Thăng Long của CEO.  Mặc dù nguồn cầu nhà ở xã hội ở Hà Nội rất lớn, trong đó riêng bộ, ngành đăng ký khoảng 30.000 căn thì chúng ta sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đăng ký xây thêm nhà ở xã hội trên nguồn đất sẵn có.

Đối với vấn đề này, bản thân ông Nguyễn Đức Hùng Tổng Giám đốc HUD cũng khẳng định, thời điểm hiện tại lựa chọn phát triển nhà ở xã hội là vấn đề ưu tiên. Ông Hùng nói, “ Theo chương trình của HUD chúng tôi triển khai 2 chương trình. Từ nay đến 2015 chúng tôi dự kiến xây khoảng 5.000 căn hộ, 5 năm tiếp theo chúng tôi triển khai xây dựng khoảng 15.000 căn hộ nữa tổng cộng khoảng 20.000 căn hộ.Trong lúc thị trường đang khó khăn, việc lựa chọn dự án nhà ở xã hội, hay thương mại là khó khăn với lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy vậy theo quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng với quy định của chính sách lãi xuất và những chế độ ưu đãi thuế, thời điểm này lựa chọn phát triển nhà ở xã hội là vấn đề ưu tiên. Vì nó tạo công ăn việc làm cho nhân viên, và thu nhập cho doanh nghiệp. Định hướng chung chúng tôi ưu tiên lựa chọn các đơn vị trong Tổng công ty phát triển lĩnh vực này”.

Tuy nhiên, cũng cần thận trọng

Đây cũng là lo ngại của ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc BIDV. Bởi, nếu thực hiện không tốt, rất có thể làm phức tạp thêm tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng.  Do vậy, để  không làm xấu thêm tình hình hiện nay, ông cũng cho rằng, cần cố gắng tạo cơ chế quan hệ hợp tác ký hợp đồng 3 bên (ngân hàng - chủ đầu tư - người vay) chặt chẽ, đó là cơ sở pháp lý để ngân hàng đảm bảo chất lượng hoạt động.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Viết Mạnh, khi ngân hàng quyết định cho vay, thì phải thẩm định kỹ, đủ điều kiện vay và khả năng trả nợ để tránh nợ xấu. Nên gói này không thể giải quyết cho tất cả các đối tượng thụ hưởng mà phải đủ điều kiện hoàn trả vốn cả gốc lẫn lãi thì mới được vay. Vì vậy, ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn, các ngân hàng phải đưa yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này.

“Hiện nay, BIDV đang phổ biến hướng dẫn các quy định nghiệp vụ cho các bộ phận cho vay để nghiên cứu, triển khai. Người đi vay cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu xem khả năng có thể tiếp cận nguồn vốn như thế nào, để đối chiếu khả năng, điều kiện, thu nhập của bản thân và bàn bạc với gia đình để đưa ra quyết định vay vốn. Như vậy, hiện nay, bên ngân hàng đang bắt đầu triển khai và phía người vay đang tìm hiểu phương thức, điều kiện. Tôi nghĩ rằng mới có 10 ngày thì chưa thể triển khai cho vay ngay được, cần một thời gian nữa thì các khoản vay cụ thể mới có thể giải ngân”. Ông Trần Xuân Hoàng cho biết.