Gợi ý từ Bắc Kinh!

Theo FP, NĐBND

Trong kế hoạch giải cứu lĩnh vực tài chính, chính quyền Obama đang nhìn vào nhiều gợi ý từ Bắc Kinh.

Nếu xem xét chi tiết của kế hoạch mua lại tài sản xấu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geither từ một năm trước, có thể chúng ta sẽ tưởng nhầm đang nghe thông điệp từ Bắc Kinh. Kế hoạch này, như Bộ trưởng Geither nói, là sẽ "sử dụng nguồn lực chính phủ dưới dạng vốn Ngân khố và từ FDIC cũng như FED, để chuyển vốn từ lĩnh vực tư nhân. Với tư cách là một quốc gia, chúng ta phải cân bằng giữa nhu cầu thúc đẩy lòng tin của công chúng và sử dụng tiền thuế của người dân cẩn trọng để củng cố hệ thống tài chính".

Đó là một bước chuyển quan trọng trong chính sách kinh tế của Mỹ, quốc gia trong những năm gần đây vốn chỉ biết đến những quy định tự do hóa. Theo đuổi ổn định kinh tế quốc gia, chính quyền Obama rõ ràng đang hướng tới hình thức can thiệp nhà nước mà Trung Quốc đã sử dụng trong suốt hai thập kỷ qua. Có thể nói Washington đang sử dụng phương thức của Bắc Kinh hay không?

Trong khi tiếp tục có lợi từ thị trường quốc tế, chính quyền Mỹ đang kiểm soát nhiều hơn lĩnh vực tài chính, hạn chế chính sách tuyển dụng chính phủ, hướng dẫn nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ có chọn lọc. Những chính sách này có vẻ quen thuộc? Như ở Bắc Kinh, điều quan trọng không phải là bản chất của chế độ chính trị mà là chế độ đó thành công đến đâu trong việc cải thiện mức sống người dân. Tổng thống Obama đã tỏ ra thực dụng trong cách tiếp cận này.

Chủ trương kinh tế của Obama không phải là lĩnh vực duy nhất hướng Đông, mà còn có cả chính sách đối ngoại. Trong các trường ngoại giao của Bắc Kinh, lợi ích quốc gia, chứ không phải chuẩn mực toàn cầu, thống trị quan hệ đối ngoại. Washington đang tìm kiếm ngày càng nhiều đồng minh thực tế có thể giúp đỡ nhu cầu kinh tế của nước này. Làm ấm lại quan hệ với Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh là hợp lý khi những nước này là chủ nợ chính của nước Mỹ. Hòa dịu với Iran và Nga, trong khi đó, hứa hẹn sẽ giảm thiểu chi phí chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Trong thời buổi khủng hoảng, có vẻ như không có chỗ cho sự ngượng ngùng trong chính trị thực dụng.
Chủ nghĩa hiện thực mới của Washington giống như sự xem xét lại chủ nghĩa tân bảo thủ của Bush. Đối mặt với vị thế quốc tế đang yếu đi, một cường quốc đang xuống sẽ cố gắng sử dụng những khả năng của mình theo cách kinh tế hơn. Sau 2 thập kỷ các nguyên tắc của Mỹ và Châu Âu thống trị chính sách quốc tế thông qua các tổ chức đa quốc gia, phương Tây không còn đòn bẩy để củng cố địa vị của mình nữa. Sự rút lui của phương Tây sẽ mở đường cho nhóm quyền lực mới – Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC). Thay vì tin tưởng vào Mỹ với trách nhiệm bảo đảm ổn định toàn cầu, nhóm BRIC sẽ sử dụng sức mạnh của mình nhiều hơn. Trong khi đó, liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng thay đổi. Nước Mỹ sẽ phải chấp nhận những luật chơi mới. 

Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng đồng thuận Bắc Kinh sẽ mang lại một trật tự thế giới ổn định hơn. Nếu khủng hoảng kinh tế xấu đi, chủ nghĩa dân tộc sẽ nuôi dưỡng những yêu sách thực dụng. Sự chồng chéo giữa những anh hưởng và những xung đột lạnh có thể sẽ dẫn đến xung đột lớn hơn. Và nếu, như một số nhà quan sát nhận định, Trung Quốc nổi lên từ cuộc khủng hoảng này như là người chiến thắng, sẽ không lâu nữa, tư duy trò chơi có tổng bằng không sẽ thay thế tư duy hợp tác hai bên cùng thắng.