Gồng mình cạnh tranh với thép nhập khẩu

Theo daibieunhandan.vn

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, 6 tháng qua, cả nước nhập hơn 9,6 triệu tấn thép, tăng khoảng 48% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Năng lực sản xuất của các công ty thép Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nguồn: icafefcdn.com
Năng lực sản xuất của các công ty thép Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nguồn: icafefcdn.com

Dự báo thép nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh vào nửa cuối năm nay. Doanh nghiệp thép trong nước dù đã được áp thuế tự vệ nhưng vẫn lao đao vì thép ngoại.

Doanh nghiệp thép tìm lối đi

Từ đầu năm đến nay, thép nhập khẩu tràn vào Việt Nam, trong đó, thép Trung Quốc chiếm tới 60%. Đối với số mặt hàng khác như tôn mạ và sơn phủ màu, lượng nhập khẩu cũng đạt 730 nghìn tấn, tăng 68%.

Thép ngoại ồ ạt vào thị trường nội địa khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lao đao, bởi thị phần tiêu thụ trong nước bị thu hẹp, trong khi sản xuất mới chỉ đạt 60% công suất. Nhiều doanh nghiệp phải ngưng sản xuất tạm thời, công nhân không đủ việc làm. Thậm chí, có doanh nghiệp đành phải giảm giá bán dưới giá thành để có thể “sống sót qua ngày”.

Một số doanh nghiệp có năng lực phải tìm đến phân khúc thị trường chất lượng cao như xuất khẩu sang Mỹ, Australia và các nước trong khu vực Đông Nam Á để có thể duy trì được hoạt động sản xuất... Tuy nhiên, năng lực sản xuất của các công ty thép Việt Nam vẫn còn hạn chế. Phần lớn sản phẩm làm ra phục vụ thị trường trong nước, “khá lắm” cũng chỉ mới loay hoay ở một vài thị trường châu Á.

Thị trường lớn như Mỹ, châu Âu sẽ không dễ dàng thâm nhập do những hạn chế về chất lượng. Trong 2 năm qua, chỉ có Tôn Đông Á, Hoa Sen vào được thị trường Mỹ. Chưa kể tới, doanh nghiệp thép Việt đi đến đâu cũng gặp phải đối thủ là thép giá rẻ của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á cho biết, chắc chắn, thời gian tới, tiêu thụ thép sẽ tiếp tục nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp thua lỗ.

Bên cạnh đó, ngành thép trong nước còn đối mặt với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như thép giá rẻ, thép giả danh hợp kim, chứa các nguyên tố hợp kim như Bo, Crôm… nhằm lách thuế.

Một hướng đi khác, hiện có doanh nghiệp sản xuất thép đang thử nghiệm, đó là theo đuổi mô hình gia công để bảo toàn lợi nhuận. Như Công ty CP Tôn Đông Á, để tránh rủi ro từ nhiều phía, công ty chủ trương làm gia công một số chi tiết thành phẩm như là chiến lược chính bên cạnh việc tìm cơ hội liên doanh với nhà sản xuất quốc tế, tạo ra sản phẩm cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Chú trọng thị trường nội địa

Theo lộ trình, đến tháng 10 tới sẽ hết hạn áp thuế tự vệ tạm thời đối với ngành thép sau 200 ngày có hiệu lực. Nếu Nhà nước không tiếp tục thực hiện việc áp thuế tự vệ, doanh nghiệp thép trong nước sẽ tiếp tục rơi vào tình thế khó khăn, có thể phá sản...

Theo đó, giải pháp cần kíp lúc này vẫn là hạn chế lượng nhập khẩu thép, nhất là từ phía đối tác Trung Quốc và gia tăng thị phần cho thép nội. Một số nhà sản xuất thép cho rằng, tất cả mặt hàng thép xuất khẩu trên toàn cầu đều có giá thấp hơn giá nội địa. Do vậy, nếu chỉ thuần xuất khẩu sẽ không giải quyết được vấn đề.

Liên quan đến vấn đề thị trường nội địa, đại diện Hiệp hội Thép cho biết sẽ cùng với các doanh nghiệp và các đơn vị thành viên bàn bạc tìm ra những giải pháp tốt nhất để bình ổn giá thị trường, giữ được thị trường, ổn định về giá cả cũng như thị phần, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp với nhau.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp Thép Việt Nam, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, doanh nghiệp thép cần quan tâm hơn nữa đến tính cạnh tranh trên chính thị trường nội địa. Cụ thể là, chú ý đến tiêu chí như chất lượng, giá cả, thương hiệu, dịch vụ chăm sóc khách hàng...

Những vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại, kiện chống bán phá giá của các doanh nghiệp trong nước để bảo vệ sản xuất trong nước và giành thị phần được thực hiện thời gian vừa qua chỉ là các giải pháp ngắn hạn.