Góp mặt 2 FTA lớn nhất ở châu Á và sự được mất của Mỹ - Trung
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các chính sách bảo hộ của ông là để bảo vệ người lao động Mỹ, nhưng ngay cả khi Tổng thống Joe Biden đã cam kết vạch ra một hướng đi riêng biệt với người tiền nhiệm thì ông vẫn ưu tiên nhiều cam kết bảo vệ kinh tế trong nước.
Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vừa qua, Cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại đồng thời là Cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc Long Yongtu cho rằng, Washington có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thống nhất hai hiệp định thương mại tự do (FTA) lấy Thái Bình Dương làm trung tâm, nếu nước này tham gia.
Theo đó, sự tham gia của Mỹ sẽ là một tin tốt cho hội nhập kinh tế khu vực châu Á và nếu Mỹ không thể trở thành một phần của Hiệp định Thương mại châu Á - Thái Bình Dương, thì đó sẽ là một đòn nặng nề đối với sự thống nhất và hợp tác của toàn châu Á - Vùng Thái Bình Dương.
Mặc dù lớn hơn đáng kể so với quy mô của CPTPP, nhưng Hiệp định RECP có sự chồng chéo đáng kể về tư cách thành viên. Một số đồng minh và đối tác của Mỹ, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, là một phần của cả hai hiệp định lớn nhất ở châu Á.
Được ký kết vào tháng 11/2020, RCEP bao gồm 30% dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm quốc nội, khiến đây trở thành thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử.
Cách tiếp cận của chính quyền Biden
Vào tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh đang “tích cực xem xét” việc tham gia CPTPP. Tuy nhiên, ít có khả năng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có động thái như vậy, càng ít cân nhắc việc tham gia RCEP.
Khi hiệp định này được ký kết vào tháng 11, ông Biden nói rằng Mỹ sẽ tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng và đưa ra các điều khoản thương mại với Trung Quốc, thay vì để Bắc Kinh đưa ra chương trình nghị sự.
Cựu quan chức cao cấp hàng đầu của Trung Quốc cho rằng, Mỹ có thể tái gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và làm việc với Trung Quốc để hợp nhất hiệp định với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn bao gồm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
CPTPP là một hiệp định thương mại đầy tham vọng được tạo ra sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ban đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc sáp nhập RCEP với CPTPP sẽ tạo ra hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Viễn cảnh Mỹ - Trung ở châu Á
Với việc Trung Quốc đã là thành viên của RCEP và Bắc Kinh đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia CPTPP, lập trường của Washington là chìa khóa cho hội nhập kinh tế trong khu vực. Các ý kiến của cựu quan chức thương mại Trung Quốc được đưa ra khi căng thẳng chính trị vẫn còn nóng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn xung đột về các vấn đề khác nhau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách thể hiện một mặt trận thống nhất với Nhật Bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu Mỹ có thái độ tích cực đối với hợp tác khu vực trong toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì viễn cảnh sáp nhập RCEP và CPTPP có thể sẽ diễn ra.
Ông Long Yongtu cũng cho rằng, việc ký kết RCEP cho thấy sức nặng của nền kinh tế toàn cầu đã chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để vun đắp “hợp tác khu vực và tự do hóa thương mại khu vực”.
15 quốc gia đã ký RCEP vào tháng 11 năm ngoái, trong khi Ấn Độ rút khỏi thỏa thuận vào phút cuối, khép lại 8 năm đàm phán kể từ khi hiệp định được ASEAN khởi xướng vào năm 2012.
Cũng tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cuộc đối đầu gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ là một trong những thách thức lớn nhất mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt.