GS.,TS. Vương Đình Huệ: Đổi mới mô hình kinh tế để hội nhập, phát triển

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Kinh tế Trung ương đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ những vấn đề về đường lối phát triển kinh tế và mô hình phát triển ở nước ta những năm qua. GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã trả lời phỏng vấn báo chí về một số vấn đề từ kết quả nghiên cứu, đánh giá những thành tựu phát triển kinh tế 30 năm qua...

Phóng viên:TP. Hồ Chí Minhđược biết đến là địa phương năng động, sáng tạo và đi đầu trong thực hiện các mô hình phát triển 30 năm qua. Theo đ/c đâu là mô hình và cách làm của Thành phố được đánh giá có ý nghĩa nhất, góp phần vào định hướng đường lối phát triển của đất nước những năm qua?

GS.,TS. Vương Đình Huệ: Đổi mới mô hình kinh tế để hội nhập, phát triển - Ảnh 1

GS.,TS. Vương Đình Huệ

GS.,TS. Vương Đình Huệ: Từ thực tiễn sinh động và sáng tạo của mình, TP. Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng, tích cực vào quá trình tìm tòi, nghiên cứu hoạch định, hình thành, phát triển đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, nhất là về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong 30 năm đổi mới của TP. Hồ Chí Minh trước hết bắt nguồn từ sự nhận thức sâu sắc, nhạy bén, đổi mới tư duy của Đảng bộ và nhân dân thành phố về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN; vai trò của Nhà nước và thị trường cũng như giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Chính việc thí điểm thực hiện nhiều chính sách đột phá cho một nền kinh tế mở, các mô hình của kinh tế thị trường như phân cấp quản lý ngân sách, đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường phát huy năng lực, lợi thế, đồng thời đây cũng là một trong những cơ sở thực tiễn thuyết phục để Trung ương xây dựng các chủ trương và thể chế hóa thành các khung pháp lý quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN những năm qua của TP. Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào định hướng và chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, phù hợp với sự vận động khách quan của kinh tế thị trường mà TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò là địa phương đi đầu hội nhập quốc tế.

Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, lý luận cho rằng, kinh tế nước ta trong 30 năm đổi mới tuy đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng so với yêu cầu phát triển vẫn còn chậm?

Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đồng thời hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Trước hết là chưa nhận thức sâu sắc và thống nhất về mô hình tăng trưởng, nhất là về các động lực cho tăng trưởng. Nền kinh tế vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vốn, tài nguyên, lao động, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Tốc độ tăng trưởng chậm, tăng trưởng dưới mức tiềm năng và chưa có chuyển biến rõ rệt về chất lượng theo hướng bền vững; có dấu hiệu nền kinh tế Việt Nam tụt hậu hơn so với các nước trong khu vực và thế giới và nguy cơ vướng vào “bẫy thu nhập trung bình”. Chưa tận dụng tốt cơ hội hội nhập quốc tế cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng, cơ cấu của các ngành và trong từng ngành, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới mô hình tăng trưởng. Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng ở nước ta còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Thiếu thể chế cho kinh tế vùng và liên kết vùng, không gian kinh tế còn bị chia cắt bởi địa giới hành chính...

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường kinh doanh chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh; việc gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường còn nhiều rào cản. Quản lý, điều hành giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn lúng túng, chưa thật sự tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp (DN) nhà nước chưa thể hiện đầy đủ vai trò nòng cốt; hầu hết DN ngoài nhà nước quy mô nhỏ, thiếu liên kết. DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động chủ yếu trong các ngành sử dụng nhiều lao động, khai thác tài nguyên và còn hạn chế trong chuyển giao công nghệ. Trình độ phát triển của các loại thị trường còn thấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; hội nhập kinh tế quốc tế chưa phát huy tốt nhất các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Các nỗ lực đổi mới kinh tế trong nước chưa thực sự đáp ứng yêu cầu các cam kết hội nhập; nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN chưa chủ động tận dụng cơ hội và khắc phục khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập.

Thách thức lớn nhất của nước ta khi tham gia vào nền kinh tế hội nhập quốc tế những năm tới?

Có rất nhiều thách thức, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với nền kinh tế nước ta khi hội nhập sâu, nhưng trước mắt có 4 vấn đề nổi lên gồm: thị trường, sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của các DN và năng suất lao động. Những năm tới chúng ta phải tập trung giải quyết tốt những thách thức lớn trên mới có thể hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới được.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thức XII của Đảng xác định tiếp tục phát triển theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào, và đâu là những mô hình kinh tế thích hợp theo định hướng phát triển trên?

Theo tôi, cần tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức về thể chế kinh tế thị trường và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đồng thời tiếp tục nghiên cứu để làm rõ nội dung mô hình kinh tế tổng quát về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và tiếp tục hoàn thiện đồng bộ 3 bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế, bao gồm: Hệ thống pháp luật, quy tắc, chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi và giao dịch kinh tế; các thể chế về chủ thể và các yếu tố, các loại thị trường trong nền kinh tế và cơ chế thực thi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh, xử lý vi phạm trong nền kinh tế.

Về kinh tế tư nhân, Đảng ta xác định là động lực quan trọng để phát triển. Quan điểm và chủ trương này sẽ được thực hiện ra sao, và những mô hình phát triển nào có thể áp dụng trong thời gian tới đối với các doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân?

Chủ trương là tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế; có chính sách hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Việc xác định cơ cấu các ngành kinh tế của đất nước trong những năm tới cần chú trọng vào ngành và lĩnh vực nào vừa có thế mạnh của Việt Nam, vừa bảo đảm tính cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập quốc tế khi Việt Nam tham gia vào hầu hết các định chế kinh tế của thế giới?

Cơ cấu lại các ngành sản xuất, thương mại và dịch vụ của nền kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn tới, vừa khai thác những thế mạnh của Việt Nam, vừa bảo đảm tính cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trước hết, chúng ta cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh, tăng nhanh giá trị quốc gia, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo vùng kinh tế, nhằm tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị quôc gia; đổi mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu; cơ cấu lại các ngành dịch vụ, thương mại cần đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP.

…Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh, tăng nhanh giá trị quốc gia, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo vùng kinh tế…