Gửi tiền cuối năm hưởng lợi

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Cũng với 100 triệu đồng nhưng gửi ngân hàng vào đầu tháng trước chỉ hưởng lãi khoảng 650.000 đồng/tháng, trong khi hiện giờ là hơn 660.000 đồng.

So với thời điểm giữa năm, mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm ở các ngân hàng đang có sự phân hóa rõ rệt. Nguồn: Internet
So với thời điểm giữa năm, mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm ở các ngân hàng đang có sự phân hóa rõ rệt. Nguồn: Internet

Thông thường, giai đoạn cuối năm âm lịch, các ngân hàng có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động để hút khách gửi tiền. Thời điểm này năm nay cũng không ngoại lệ, sau đợt điều chỉnh lãi suất của các nhà băng lớn hồi tháng 10, trong tháng 11 lại chứng kiến đợt điều chỉnh tăng lãi suất 0,1 – 0,2%/năm của một loạt ngân hàng.

Khảo sát trên thị trường có thể thấy, so với thời điểm giữa năm, mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm ở các ngân hàng đang có sự phân hóa rõ rệt, được duy trì ở mức 6,5-8,0%/năm.

Lãi suất huy động khó giảm

Hiện, biểu lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại nhà nước bao gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank không tăng lên đáng kể so với hồi đầu năm và đang duy trì ở mức 6,6%-6,9%/năm.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần đã có sự điều chỉnh tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay, hiện đang niêm yết ở mức 7,4%-8%/năm.

Cụ thể, sau đợt điều chỉnh lãi huy động trong tháng 11 này, lãi suất ở một số ngân hàng đã thiết lập mặt bằng mới, rất hấp dẫn với khách hàng như: NCB và Viet Capital Bank đang dẫn đầu với mức lãi suất 8%/ năm; Tiếp đó là VietBank, OCB: 7,8%/năm; BacABank: 7,7%/năm; VietABank: 7,6%/năm; OceanBank, SCB: 7,5%/ năm; KienglongBank, ABBank: 7,4%/năm…

Ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng không có sự chênh lệch nhiều do phải tuân thủ quy định trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên mặt bằng các kỳ hạn này không có nhiều cạnh tranh.

Không chỉ tăng lãi suất tiền gửi, nhiều ngân hàng còn có chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng. Vì vậy, nhiều người gửi tiền đang tranh thủ những chương trình khuyến mãi cộng lãi suất của ngân hàng thương mại dịp cuối năm.

Chị Lê Kim Lan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có 100 triệu đồng tiền nhàn rỗi chưa biết đầu tư vào đâu dịp cuối năm nên quyết định gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất tốt. Sau khi tham khảo, chị Lan chọn NCB để gửi tiết kiệm do lãi suất cao, lại được tặng quà.

"Tôi vừa đáo hạn khoản tiền gửi 100 triệu đồng ở một ngân hàng, sau khi khảo sát thị trường quyết định chuyển sang gửi ở NCB vì lãi suất cao hơn 0,4%/ năm so với ngân hàng trước. Ngoài ra, khi gửi kỳ hạn từ 1 năm trở lên, tôi được nhận thêm quà tặng", chị Lan nói.

Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản… tiềm ẩn nhiều rủi ro và đòi hỏi các nhà đầu tư cần có nhiều thông tin và kinh nghiệm, thì gửi tiền tại ngân hàng vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn hơn cả.

"Khách hàng sẽ được hưởng "lợi ích kép" khi khoản tiền của mình được đảm bảo, sinh lời vững bền và còn được tặng những phần quà giá trị", một chuyên gia cho hay.

Về mặt chính sách, chủ trương chung của NHNN và các ngân hàng thương mại là cố gắng hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Khách hàng hưởng "lợi ích kép"

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhu cầu tín dụng trong khoảng 3 tháng gần Tết Nguyên đán thường có xu hướng tăng cao do nhu cầu vốn lưu động, chi lương thưởng của doanh nghiệp, cũng như xu hướng rút tiền mua sắm Tết của người dân.

Vì vậy, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay và cũng nhằm cân đối lại nguồn vốn chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Thực tế thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng mạnh trở lại, NHNN liên tục bơm ròng vốn để điều tiết hệ thống, giúp lãi suất chào bình quân VND đã chững lại ở tất cả các kỳ hạn.

Dự báo về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao và rất khó hạ, bởi nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn ở mức cao.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP đánh giá, về cơ bản duy trì sự ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay như hiện nay là phù hợp với các diễn biến vĩ mô của nền kinh tế và đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng.

NHNN cho biết, hệ thống tài chính Việt Nam hiện vẫn là nguồn cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. 51% tổng tín dụng cấp ra là vốn trung, dài hạn nhưng tại các ngân hàng chỉ có 12-15% tổng vốn huy động là có kỳ hạn tương đương.

Do đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2019 quy định về việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung – dài hạn từ 50% xuống 40% nhằm tránh cho các nhà băng chịu rủi ro cao khi bị các yếu tố bên ngoài tác động.

Đánh giá về quy định này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành ngân hàng, cho rằng việc siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng được ổn định, bền vững.

"Như vậy, chỉ còn hơn một tháng, các nhà băng phải tuân thủ việc thực hiện Thông tư 19. Đó cũng là lý do lãi suất kỳ hạn dài được các ngân hàng điều chỉnh tăng trong thời gian qua để cân đối lại nguồn vốn", ông Lực nói.