Ngân hàng ngoại nỗ lực tăng thị phần mảng bán lẻ tại Việt Nam

Theo Nam Anh/vnexpress.net

Hàng loạt ngân hàng ngoại đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, cải tiến công nghệ, nâng cấp dịch vụ... giữa lúc nhóm nhà băng trong nước lãi lớn trong 2018.

Ngân hàng trong nước củng cố thị phần

Thống kê kết quả kinh doanh của 13/17 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lợi nhuận các nhà băng này đạt xấp xỉ 31.070 tỷ đồng, tăng 66% so với nửa đầu năm 2017.

Trong đó Vietcombank công bố lợi nhuận cao nhất ngành với lãi trước thuế 6 tháng ghi nhận hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm trước. Không riêng Vietcombank, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao kỷ lục. Một số ngân hàng báo lãi cao gấp 2-3 lần cùng kỳ như ACB, HDBank, TPBank...

Ngân hàng ngoại nỗ lực tăng thị phần mảng bán lẻ tại Việt Nam - Ảnh 1

CIMB làmột trong những ngân hàng ngoại đang có những động thái tích cực đẩy mạnh ngân hàng số tại Việt Nam.

Đây cũng là nhóm các ngân hàng tập trung chuyển hướng vào bán lẻ, kinh doanh dịch vụ, mở rộng dư nợ khách hàng cá nhân. Các mục tiêu này góp phần giúp bội thu lợi nhuận cho toàn ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2018.

Cụ thể, Vietcombank xác định ba trục hoạt động chính để thúc đẩy lợi nhuận. Một là dịch chuyển tín dụng từ bán buôn sang bán lẻ, hai là tăng cường hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, ba là tăng thu dịch vụ qua phát triển các tiện ích sản phẩm và mở rộng khách hàng sử dụng.

Chiến lược này góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm của Vietcombank khá cao, với hơn 11%, trong đó chủ yếu là tăng trưởng tín dụng bán lẻ với hơn 16%.

Trong khi đó TPBank thu về 244 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thu dịch vụ của HDBank cũng tăng gấp 2,73 lần cùng kỳ.

Lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh đồng nghĩa với việc khẳng định thị phần vững chắc của nhóm ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định dư địa bán lẻ ngành ngân hàng hiện vẫn còn rất lớn và hấp dẫn, thu hút nhiều ông lớn ngân hàng ngoại tham gia.

Nỗ lực của nhóm ngân hàng ngoại

Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Malaysia năm 2017 - CIMB vừa công bố chiến lược tấn công vào nhóm khách hàng năng động, hiện đại và có nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Kế hoạch của tập đoàn này là thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua mô hình ngân hàng số với triển vọng nhân rộng mô hình ra các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Mảng ngân hàng số được đánh giá có triển vọng cao trong toàn ngành khi giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời giúp họ tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong các khâu đăng ký cũng như giao dịch.

Ngân hàng ngoại nỗ lực tăng thị phần mảng bán lẻ tại Việt Nam - Ảnh 2

Cuộc đua tranh thị phần của các ngân hàng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ tốt hơn phục vụ người dùng.

Ngoài ra để thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, CIMB công bố mức lãi suất tín chấp cạnh tranh, nỗ lực xoá bỏ nhiều khoản phí để tạo sự thân thiện, cam kết đi đường dài với người dùng. Với bề dày nhiều năm liên tiếp thống lĩnh mảng bán lẻ tại Malaysia, CIMB hứa hẹn sẽ tạo ra chuyển động mạnh trong phân khúc này.

Hàng loạt các ngân hàng ngoại khác cũng đang đẩy mạnh chiến lược bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Theo đó, nhiều ngân hàng không còn ở giai đoạn thăm dò mà bắt đầu đẩy nhanh tiến độ, tấn công trực tiếp vào nhóm khách hàng cá nhân bằng các dịch vụ đa đạng, bắt tay với nhiều đơn vị trong nước để tăng độ phủ, khả năng nhận biết của sản phẩm.

Shinhan Bank đã đề ra mục tiêu vào top ba nhà kinh doanh thẻ tín dụng trong ba năm tới. Tương tự, Woori Bank mở 5 chi nhánh nhằm phát triển khách hàng cá nhân ngay khi vừa được cấp phép. United Overseas Bank cũng vừa được chấp thuận thành lập ngân hàng con tại Việt Nam.

Trước sức hấp dẫn của thị trường giao dịch trực tuyến, cả ngân hàng nội, ngoại đều muốn thống lĩnh thị phần mảng bán lẻ. Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh tiềm lực tài chính, uy tín sẵn có thì đột phá về dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn đặc biệt với người dùng sẽ giúp các nhà băng tăng thu hút khách hàng.