Hà Nội: Vượt khó để đưa bảo hiểm nông nghiệp đến gần dân
(Tài chính) Từ tháng 3/2012, Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tại một số xã của hai huyện Ba Vì và Chương Mỹ. Theo Ban Chỉ đạo TP. Hà Nội, tuy thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn, song đến nay, người dân đã bắt đầu hiểu các lợi ích to lớn của BHNN.
Nhằm thực hiện tốt công tác triển khai thí điểm BHNN, UBND TP. Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo BHNN của Thành phố, tổ chuyên viên giúp việc để triển khai những nhiệm vụ chuyên môn cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, các xã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ chuyên môn theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Thành phố. Kể từ khi bắt đầu triển khai đến nay, Ban Chỉ đạo Thành phố, các huyện, các xã được chọn làm BHNN đã nhanh chóng và kịp thời ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, để BHNN trở nên gần gũi với người nông dân, Ban Chỉ đạo BHNN TP. Hà Nội đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và Hà Nội; In trên 20 vạn tờ rơi phát đến các hộ chăn nuôi; Tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật và các hộ chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn. Đặc biệt, UBND Thành phố đã tạo điều kiện về kinh phí (800 triệu đồng/năm) để hỗ trợ hoạt động của Ban Chỉ đạo, đào tạo tập huấn đến hộ chăn nuôi, cán bộ cơ sở, in tờ rơi, tuyên truyền...
Ban Chỉ đạo BHNN TP. Hà Nội đã chọn huyện Ba Vì để triển khai thí điểm BHNN trên đàn bò sữa. Đồng thời, chọn 03 xã (gồm: Tốt Động, Trung Hòa và Đại Yên) thuộc huyện Chương Mỹ và 03 xã (Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài) thuộc huyện Ba Vì triển khai BHNN trên đàn lợn. Tới đây, sẽ tiếp tục triển khai thí điểm BHNN trên đàn lợn và bò sữa tại 02 huyện Chương Mỹ, Ba Vì, mở rộng BHNN trên đàn lợn thuộc 03 xã huyện Ba Vì (Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài).
Điều đáng mừng là dù thời gian đầu hiệu quả chưa được cao do người dân chưa đồng thuận tham gia bảo hiểm cộng với điều kiện, phạm vi BHNN hẹp trong mức phí bảo hiểm cao thì từ cuối tháng 8/2012, nhờ có thay đổi về điều kiện, phạm vi, mức phí bảo hiểm (tại Thông tư 43 của Bộ Nông nghiệp và Quyết định 2114 của Bộ Tài chính) của Ban Chỉ đạo Trung ương, nên việc triển khai BHNN trên địa bàn TP. Hà Nội bắt đầu có những chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận cao của người chăn nuôi cũng như sự thuận lợi cho việc triển khai tại cơ sở.
Theo đó, tính đến ngày 26/4/2013, số bò sữa tham gia bảo hiểm đạt 1.027 con (tổng đàn bò sữa: 6.553 con, tỷ lệ đàn bò sữa tham gia bảo hiểm 15,7%/so tổng đàn); số xã tham gia bảo hiểm là 16/19 xã; Số hộ tham gia bảo hiểm là 334 hộ (45 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo, 271 hộ bình thường); Tổng số phí bảo hiểm theo Giấy chứng nhận bảo hiểm cấp là 1.589,58 triệu đồng (trong đó NSNN hỗ trợ 1.007,13 triệu đồng); Tổng số phí bảo hiểm thực thu theo kỳ đạt 1.578 triệu đồng (trong đó NSNN hỗ trợ 999,8 triệu đồng); Giải quyết bồi hoàn cho tổng số bò sữa rủi ro bồi hoàn 49 con với tổng số tiền bồi hoàn là 1.332 triệu đồng (83,7% tổng số tiền tổng thu). Đặc biệt, một số hộ chăn nuôi lớn tham gia bảo hiểm đã thu hút được các hộ dân càng tham gia hưởng ứng. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Khanh ở xã Phú Châu là người đi đầu đã tham gia bảo hiểm cả đàn 24 con bò sữa với số phí bảo hiểm phải đóng là gần 14 triệu đồng/ năm, từ đó các hộ xung quanh đã hưởng ứng tham gia.
Về bảo hiểm đàn lợn, tính đến ngày 26/4/2013, tại huyện Chương Mỹ đã có 1.034 hộ tham gia bảo hiểm ( 244 hộ nghèo, 71 hộ cận nghèo, 719 hộ bình thường). Tổng số phí bảo hiểm 970,5 triệu đồng (trong đó NSNN hỗ trợ 702,2 triệu đồng); Giải quyết bồi hoàn cho 193 con lợn chết với số tiền bồi hoàn là 346,21 triệu đồng (35,6% tổng số tiền tổng thu). Tại huyện Ba Vì, có 30 hộ tham gia bảo hiểm (trong đó 7 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, 17 hộ bình thường) với tổng số phí bảo hiểm 52,12 triệu đồng (trong đó NSNN hỗ trợ 385 triệu đồng)…
Một điểm đáng mừng nữa là trong quá trình triển khai Ban Chỉ đạo BHNN TP. Hà Nội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt…, trong đó đáng chú ý là việc đã cho phép thu phí bảo hiểm bò sữa thành nhiều kỳ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ nuôi tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, trong bảo hiểm bò sữa, Công ty Bảo hiểm Đông Đô đã phối hợp với Công ty sữa Quốc tế (IDP), Công ty cổ phần sữa Ba Vì triển khai thu phí làm nhiều kỳ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người chăn nuôi, tạo ra cách làm hay sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện.
Vướng mắc và kiến nghị
Theo Ban Chỉ đạo BHNN TP. Hà Nội, trong quá trình triển khai thí điểm trên địa bàn, vẫn còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc. Chẳng hạn, hiện vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ chi phí trong việc phối hợp với cơ quan Thú y, khiến cho xác định loại bệnh được bồi thường vào thời gian ngày nghỉ hoặc vào ban đêm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện nhận bảo hiểm bò sữa là phải nhận bảo hiểm cho toàn bộ số bò sữa đang được nuôi tại các hộ gia đình đã không tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi, đồng thời dễ làm nảy sinh tình trạng trục lợi bảo hiểm do người dân tham gia cả những loại bò kém chất chất lượng, sắp loại thải. Ngoài ra, hiện nay BHNN vẫn chưa được thực hiện tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn do mức phí đóng cao, chưa có chính sách riêng đối với hộ tham gia số đông nên không khuyến khích được chủ hộ tham gia…
Nhằm tiếp tục đưa BHNN vào cuộc sống, tới đây, Ban Chỉ đạo BHNN TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai một số giải pháp như: Tăng cường công tác chỉ đạo đến các huyện xã để phát huy cả hệ thống chính trị vào cuộc; Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở và người chăn nuôi; Phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần sữa Quốc Tế và Công ty cổ phần sữa Ba Vì trong việc triển khai bảo hiểm bò sữa tại các trạm thu mua sữa trên địa bàn các xã thuộc huyện Ba Vì. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo BHNN TP. Hà Nội cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn đánh giá rủi ro, giải quyết bồi thường bảo hiểm kịp thời theo qui định, đảm bảo quyền lợi cho chủ nuôi tham gia bảo hiểm. Hoàn thiện các thủ tục hồ sơ chuyển phí bảo hiểm qua NSNN, để có kinh phí cho việc giải quyết bồi thường. Thanh toán chế độ hoa hồng cho đại lý kịp thời…
Tuy nhiên, để công tác thí điểm BHNN trên địa bàn được thành công, Ban Chỉ đạo BHNN TP. Hà Nội cũng đề nghị Ban Chỉ đạo trung ương và Tổng công ty Bảo Việt tiếp tục mở rộng hơn nữa về đối tượng và phạm vi bảo hiểm, nhất là trên bò sữa. Bên cạnh đó, nên giảm mức phí thu cho đối tượng bò sữa để lấy số đông bù số ít người tham gia, đồng thời có cơ chế riêng đối với các chủ hộ, trang trại quy mô lớn để khuyến khích chủ trang trại tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, cần có văn bản hướng dẫn rõ việc giải quyết bồi thường cho trường hợp vật nuôi phải tiêu hủy…
Thêm vào đó, Ban Chỉ đạo BHNN TP. Hà Nội cũng kiến nghị, tới đây, cần cho phép nhận bảo hiểm theo đề nghị của các chủ nuôi về đối tượng, số lượng; Không nhận bảo hiểm cho những vật nuôi sắp bị thải loại, đồng thời hướng dẫn mức chi phí để đánh số tai vào vật nuôi được bảo hiểm để theo dõi được chặt chẽ hơn. Ngoài ra, cần có cơ chế chi phí cho những cán bộ thú ý tại tác thôn, xã làm công tác giám định đối với những vật nuôi có tham gia bảo hiểm để làm thủ tục chi trả bồi thường cho các chủ nuôi. Bên cạnh đó, để việc đánh giá kết quả thí điểm được thuận lợi, chính xác, Ban Chỉ đạo BHNN TP. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian thí điểm BHNN đến năm 2015 để có đủ cơ sở tổng kết, đánh giá triển khai trên địa toàn quốc...