Hạ tầng thương mại miền núi và hải đảo sẽ có bước đột phá
Trong tương lai gần, hạ tầng thương mại (HTTM) miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo sẽ có bước đột phá, được cải thiện đáng kể, góp phần bảo vệ an ninh biên giới và hải đảo.
Trung ương và địa phương cùng đầu tư
Trong những năm qua, ngành thương mại đã phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Dịch vụ thương mại ngày càng phong phú, thỏa mãn nhu cầu của người dân.
Song, sự phát triểnhạ tầng thương mại (HTTM), dịch vụ và hệ thống phân phối hàng hóa trên phạm vi cả nước hiện đang bộc lộ những tồn tại, có khoảng cách lớn giữa các vùng miền; ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ còn rất nhiều khó khăn.
Do khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nghèo nhất cả nước, khó khăn về ngân sách nên nhiều địa phương chưa có điều kiện đầu tư đúng mức cho lĩnh vực thương mại; Nhà nước cũng chưa có dự án trọng điểm, tập trung đầu tư cho lĩnh vực phát triển thương mại tại khu vực này.
Hệ thống chính sách phát triển kết cấu HTTM miền núi hiện nay được chia thành hai nhóm là chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư và chính sách hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương). Hiện mới chỉ có loại hình chợ được hưởng chính sách này, còn các loại hình thương mại khác (siêu thị, trung tâm thương mại, kho, trung tâm logistics…) phát triển chủ yếu huy động từ các nguồn lực của xã hội.
Đối với kết cấu HTTM các tỉnh miền núi và hải đảo, từ phía Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh đã xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lới chợ giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý để phát triển và quản lý chợ trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; khuyến khích các tổ chức cá nhân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn xây dựng chợ; nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Ở địa phương, các tỉnh miền núi và các tỉnh có huyện, xã thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có chính sách từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu HTTM theo hướng kết hợp giữa phát triển thương mại tại khu vực đô thị với phát triển thị trường nông thôn, miền núi, phát triển các chợ đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố, trung tâm tỉnh, huyện có kinh tế phát triển trong khu vực miền núi…, quy hoạch và nâng cấp chợ nông thôn.
Đồng thời xây dựng và banh hành các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn. Mặt khác, từng bước hoàn chỉnh kết cấu HTTM theo hướng phát triển thương mại tại khu đô thị với phát triển thị trường nông thôn, phát triển các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị…
Cụ thể: Tập trung xây dựng chợ đầu mối bán buôn nông sản tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cấp, mở rộng, cải tạo xây mới chợ hạng I hoặc chợ hạng II tại thành phố, trung tâm huyện; cải tạo, nâng cấp xây mới chợ dân sinh có quy mô hạng III ở địa bàn xã; xây dựng hội chợ triển lãm và trung tâm thông tin xúc tiến thương mại thống nhất với quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng kho hàng, kho trung chuyển, phát triển hệ thống kho dự trữ hàng hóa tại một số khu, cụm công nghiệp, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và bảo quản hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Sẽ có bước đột phá
Tuy nhiên, qua nghiên cứu kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, thương mại hướng tới những vùng này chủ yếu mới dừng lại ở đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, cung cấp xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất của đồng bào các dân tộc.
Hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nuôi trồng mặc dù đã bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, nhưng chưa trở thành hoạt động phổ biến, thường xuyên, mà một nguyên nhân quan trọng là HTTM chưa đáp ứng với tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/02/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch hành động để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết 13-NQ/TW, đồng thời rà soát, ban hành các quy hoạch phát triển vùng, phối hợp với các địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển thương mại hoặc HTTM, làm cơ sở thu hút đầu tư, phát triển HTTM nói chung, trong đó có HTTM miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, triển khai phát triển mạnh mẽ HTTM theo các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, trong đó chú trọng tới các hạ tầng chợ (chợ đầu mối); trung tâm logistics..., sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các loại hình HTTM có tính lan tỏa, có tác động đáng kể hỗ trợ sản xuất lưu thông. Quan tâm đầu tư kết cấu HTTM thiết yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, phối hợp với các bộ ngành liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…) nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích công tác đầu tư, ưu đãi đầu tư phát triển HTTM.
Trước mắt là sửa đổi Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Phối hợp hoàn thiện, bổ sung các chính sách về đầu tư công theo hướng tạo điều kiện để ngân sách nhà nước đặc biệt là ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo nâng cấp các chợ hiện có đã xuống cấp.
Thứ ba, cần xây dựng một chương trình riêng về phát triển HTTM, trong đó tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển một số loại hình có tính chất trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời có chính sách phát triển riêng hoặc bố trí nguồn lực phát triển riêng đối với các chợ truyền thống mang tính văn hóa cần bảo tồn, phát triển và các chợ biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và triển khai các Chương trình phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030; đảm bảo đủ nguồn kinh phí để thực hiện các Chương trình một cách hiệu quả, đồng bộ, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.
Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan và các địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể:
Thứ nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt thực hiện Chương trình 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, bố trí đủ kinh phí từ nguồn Ngân sách Trung ương hàng năm để thực hiện Chương trình theo kế hoạch thực hiện hàng năm được Bộ Công Thương xây dựng.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ HTTM miền núi như đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Thứ tư, tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng miền nhằm tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Thứ năm, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển HTTM tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.
Thứ sáu, các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình.
Với các định hướng và đề xuất trên, trong tương lai gần, HTTM miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo sẽ có bước đột phá, được cải thiện đáng kể, góp phần bảo vệ an ninh biên giới và hải đảo.