Hai phương án quản lý thuế đối với Taxi Uber

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Vừa xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng dịch vụ Taxi Uber với ưu điểm giá rẻ, thuận tiện và dễ kết nối với người sử dụng đã cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng kinh doanh vận tải taxi truyền thống, đồng thời đặt ra không ít thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Để quản lý thuế đối với loại hình dịch vụ mới này, ngành thuế đã trực tiếp làm việc với đại diện Công ty Uber International Holding B.V và đã xác định được các khoản thu nhập phát sinh của đơn vị này tại Việt Nam. Đó là khẳng định của Vụ trưởng, Phó trưởng Ban thường trực Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế - ông Nguyễn Quang Tiến.

Hai phương án quản lý thuế đối với Taxi Uber
Taxi Uber với ưu điểm giá rẻ, thuận tiện và dễ kết nối với người sử dụng đã cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng kinh doanh vận tải taxi truyền thống. Nguồn: internet
Taxi Uber - hình thức vận tải mới tại Việt Nam
 
Uber là tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin, sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để kết nối tài xế và hành khách. Tập đoàn Uber có trụ sở chính tại Mỹ và đã thành lập trên 30 công ty con ở nước ngoài. Tại Việt Nam, Công ty TNHH Uber Việt Nam được thành lập và thuộc sở hữu của Công ty Uber International Holding B.V ở Hà Lan.
 
Để sử dụng dịch vụ của Uber, hành khách và tài xế có thể tải ứng dụng trên kho ứng dụng của Apple store, Google play, Window về điện thoại di động hoặc máy tính bảng, đồng thời hành khách bắt buộc phải có thẻ tín dụng thanh toán quốc tế như Visa, Master hoặc American Express và khai báo thông tin số điện thoại, email. Khi có nhu cầu đi lại, hành khách sẽ tự động đánh dấu điểm đi, điểm đến trên bản đồ được cung cấp sẵn, đồng thời yêu cầu loại xe và đăng ký thời gian đưa đón tại ứng dụng Uber. Sau đó, ứng dụng sẽ tự động tìm kiếm và cung cấp tên lái xe, loại xe, số điện thoại để hành khách lựa chọn và quyết định. Khi hành khách yêu cầu cung cấp dịch vụ vận tải, Uber sẽ tự động trừ vào tài khoản của người đăng ký 5.000 đồng, tương đương với phí mở cửa. Toàn bộ quãng đường, thời gian đi của khách đều đồng bộ với máy chủ của Uber để tính số tiền cước của khách hàng. Tổng số tiền cước vận tải trên, Công ty Uber International Holding B.V sẽ khấu trừ vào tài khoản thẻ tín dụng khách hàng đã đăng ký ban đầu. Hàng tuần, hàng tháng, Công ty Uber sẽ rà soát và đối chiếu với bảng kê của các xe ôtô tham gia vận tải để xác định tổng cước phí vận tải và chia theo tỷ lệ 80/20 trong đó doanh nghiệp (DN) vận tải hưởng 80% cước phí và Uber International Holding B.V hưởng 20% cước phí.
 
Hai phương án áp thuế đối với Taxi Uber
 
Ông Tiến chia sẻ, qua tìm hiểu việc sử dụng ứng dụng Uber trên các điện thoại thông minh và máy tính bảng và trực tiếp làm việc với DN, cơ quan thuế bước đầu đã xác định được 3 khoản thu nhập mà Uber phải nộp thuế gồm: phí đăng ký mở tài khoản; phí hủy chuyến và cước phí khách hàng trả qua các thẻ thanh toán Visa. Tuy nhiên, theo ông Tiến, phía Uber có giải thích về phí mở tài khoản 5.000 đồng thực chất là phí xác nhận tính hiệu lực của thẻ tín dụng. Khoản phí này sau đó sẽ được hoàn trả lại cho khách hàng sau khi thẻ tín dụng được xác nhận hợp lệ. Bởi vậy, khoản phí này phía Uber cho rằng, không xác định là thu nhập của phía Uber International Holding B.V.
Về khoản phí thanh toán thực tế, đại diện công ty Uber tại Việt Nam cho hay, hợp đồng ký kết giữa công ty Uber International Holding B.V với các DN vận tải Việt Nam được thực hiện dưới hình thức điện tử, trong đó có quy định: các DN vận tải trong nước có trách nhiệm kê khai và nộp thay các loại thuế phát sinh tại Việt Nam thay cho phía Uber. Ngoài ra chịu trách nhiệm phát hành hóa đơn cho hành khách theo cước phí thực tế mà Uber đã thu qua thẻ của khách hành. Theo ông Tiến, điều này đồng nghĩa với việc phía DN vận tải Việt Nam mặc dù chỉ nhận được 80% số tiền thu từ khách hàng nhưng sẽ phải nộp cả phần thuế cho phía Uber.  Ngược lại, 20% phía Uber được hưởng phí dịch vụ sẽ được giữ lại đầy đủ mà không phải nộp thuế. Đây là vấn đề chia lợi nhuận của các bên và đã ghi rõ tại hợp đồng. 
 
Liên quan thuế đối với Công ty TNHH Uber Việt Nam, ông Tiến cho biết, thực tế Công ty Uber International Holding B.V tại Hà Lan mới là đơn vị ký hợp đồng trực tiếp với các DN vận tải Việt Nam. Phía Công ty TNHH Uber Việt Nam chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, marketing nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo, chăm sóc khách hàng…Do đó tính tới thời điểm này, Công ty TNHH Uber Việt Nam chưa phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin chưa được xác minh cụ thể, vì phía Uber Việt Nam chưa tới kỳ kê khai thuế (Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký từ ngày 14/10/2014). 
 
Về xác định tỷ lệ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với Công ty Uber International Holding B.V phát sinh tại Việt Nam, đại diện Tổng cục Thuế cho hay, để tính được thuế cần xác định đúng ngành nghề kinh doanh của đơn vị này, từ đó xác định tỷ lệ (%) thuế GTGT và thuế TNDN trên doanh thu kinh doanh đối với ngành nghề tương ứng. Nhưng để đảm bảo nguyên tắc khách quan trong việc tự khai tự nộp, thuế đã chủ động đưa ra 2 phương án: Nếu xét bản chất kinh tế, Công ty Uber International Holding B.V đã trực tiếp tham gia điều hành hoạt động vận tải hành khách tại Việt Nam (do có thỏa thuận ăn chia trên doanh thu) thì tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với ngành kinh doanh dịch vụ vận tải là 3% và tỷ lệ tính thuế TNDN trên doanh thu là 2%. Trường hợp nếu xác định công ty này chỉ cung cấp giải pháp công nghệ kết nối hành khách với công ty kinh doanh vận tải và là trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán, dịch vụ công nghệ thông tin, không cung ứng dịch vụ vận tải (do không sở hữu xe, không thuê lái xe, không đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải tại Việt Nam) thì sẽ tính thuế GTGT và thuế TNDN ở mức 5% trên tổng doanh thu.
 
Ông Tiến cũng cho biết, do đây là một hình thức kinh doanh mới tại Việt Nam nên hiện nay, Tổng cục Thuế đang tích cực làm việc với các cơ quan có liên quan như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Thông tin truyền thông để có kết luận cuối cùng về hình thức kinh doanh của Uber. Tuy nhiên, để xác định và có phương thức quản lý thuế phù hợp, cơ quan thuế đang yêu cầu Công ty Uber International Holding B.V cung cấp danh sách các DN vận tải, đồng thời đang cập nhật thêm dữ liệu, chứng từ thanh toán được lưu trữ ở máy chủ cả ở nước ngoài và Việt Nam để có cơ sở xác định, đối chiếu nghĩa vụ thuế và kiểm chứng khi cần thiết.