Hải quan - Doanh nghiệp hướng đến quan hệ đối tác đích thực

Bùi Thu

TCTC Online - Lần đầu tiên hơn 80 doanh nghiệp cùng với đại diện của EC EUROCHAM, VCCI đã tham gia ngày Hải quan Doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần 4 nhóm công tác về các vấn đề hải quan ASEM (AWC4), đánh dấu vai trò của Hải quan Việt Nam trong hợp tác song phương.

Diễn đàn Á - Âu (ASEM) được  thành lập năm 1996 theo sáng kiến chính trị để tạo dựng một mối quan hệ đối tác mới giữa Châu Á và Châu Âu nhằm tăng cường giao lưu và hiểu biết giữa hai châu lục. Trong khuôn khổ diễn đàn này, hơn mười năm qua, hợp tác Hải quan ASEM đã tạo dựng những cơ sở quan trọng cho hiểu biết chung và đối thoại mang tính xây dựng giữa các cơ quan Hải quan ASEM.

Trên cơ sở cơ chế luân phiên, theo dõi đề xuất của Hải quan Việt Nam và được sự ủng hộ của Hải quan các nước Châu Á, đặc biệt là Hải quan các nước thành viên ASEM  Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc họp Nhóm công tác Hải quan ASEM lần thứ 4 (AWC4 ) tại Việt Nam và đồng thời tổ chức ngày Hải quan – Doanh nghiệp lần đầu tiên song song với AWC4 nói trên. Trên cơ sở trao đổi với Hải quan các nước ASEM, Tổng cục Hải quan phối hợp với VCCI tổ chức Ngày Hải quan – Doanh nghiệp vào ngày 5/5/2010 và Hội nghị lần thứ 4 ủy ban Hải quan ASEM trong các ngày 6 và 7 tháng 5 năm 2010 tại Hà Nội.

Hải quan - Doanh nghiệp hướng đến quan hệ đối tác đích thực

Lần đầu tiên hơn 80 doanh nghiệp cùng với đại diện của EC EUROCHAM, VCCI đã tham gia ngày Hải quan Doanh nghiệp  tại Việt Nam. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần 4 nhóm công tác về các vấn đề hải quan ASEM (AWC4), đánh dấu vai trò của Hải quan Việt Nam trong hợp tác song phương. Ông Nguyễn Ngọc Túc- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết: Với chủ đề: “Hải quan Doanh nghiệp hướng đến quan hệ đối tác đích thực”, mục đích của ngày Hải quan – Doanh nghiệp là: Cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp ASEM về các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại mà Hải quan ASEM đang hợp tác triển khai;Cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp các định hướng ưu tiên hợp tác của Hải quan ASEM; Tạo dựng diễn đàn cho cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến vào các chương trình hợp tác của Hải quan ASEM đặc biệt là các biện pháp để tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình tạo thuận lợi thương mại đó; Lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng của doanh nghiệp cho hoạt động hải quan; Nghiên cứu, thảo luận cách thức xây dựng cấu trúc đối thoại giữa Hải quan với doanh nghiệp, tham vấn, trao đổi thông tin giữa Hải quan và Cộng đồng Doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, một số doanh nghiệp cho rằng hiện nay trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp và hải quan vẫn còn những tranh chấp về mã hàng hoá,; việc khai báo hải quan điện tử cần có ngôn ngữ chuẩn song hành với tiếng Việt để tránh những rắc rối nảy sinh không đáng có; hải quan cần tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp có thời gian nhiều hơn trong việc đóng góp ý kiến cho các chính sách hải quan...

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam: AWC4 lần này sẽ mở màn cho cho việc tiến hành tổ chức thường xuyên” Ngày Hải quan – Doanh nghiệp ASEM thảo luận các định hướng ưu tiên và đóng góp đầu vào, Đồng thời nghiên cứu mô hình để xây dựng cấu trúc đối thoại với doanh nghiệp về tham vấn và chia sẻ thông tin.

Về cuộc họp nhóm công tác Hải quan ASEM lần 4

Theo Tổng cục Hải quan, mục tiêu mà Hải quan ASEM hướng tới trong cuộc họp lần này là thảo luận và đưa ra các biện pháp cụ thể để triển khai kế hoạch hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2010- 2011 đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên hợp tác. Cụ thể là:

Thứ nhất: Thảo luận và đưa ra biện pháp cụ thể để triển khai kế hoạch hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2010 – 2011 đã được các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM thông qua tháng 10/2009 tại Hy Lạp, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên hợp tác. Theo quyết định của Hội nghị Tổng cục trưởng/ Cao uỷ Hải quan ASEM, từng nội dung công việc của kế hoạch hành động hợp tác ASEM đã được giao cho một số thành viên có thế mạnh, kinh nghiệm thực hiện việc điều phối thực hiện. Tại Hội nghị này, các điều phối viên sẽ đưa ra kế hoạch, biện pháp chi tiết của từng hoạt động hợp tác để thảo luận và thống nhất để thực hiện. Với sự chủ trì điều phối của Việt Nam, và hợp tác chặt chẽ của các thành viên, Hội nghị Hải quan ASEM 4 này sẽ thống nhất được một kế hoạch chi tiết để thực hiện các biện pháp đó.

Thứ hai: Tại Hội nghị này, Hải quan các nước cũng sẽ trao đổi chia xẻ kinh nghiệm hoạt động của mình trong việc thực hiện các lĩnh vực mà Hải quan ASEM định hướng ưu tiên hợp tác. Hải quan sẽ chia xẻ kinh nghiệm về Hải quan Xanh, vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, các vấn đề về tạo thuận lợi thương mại, tiêu chuẩn hoá, đơn giản hoá thủ tục hải quan,…

Thứ ba, tại Hội này, trên cơ sở kết quả của Ngày Hải quan – Doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức, trên cơ sở đóng góp ý kiến của Cộng đồng doanh nghiệp, Hải quan ASEM sẽ thảo luận và thống nhất cách thức xây dựng, tổ chức các cuộc đối thoại với Doanh nghiệp nhằm mục tiêu hướng đến một quan hệ đối tác Hải quan Doanh nghiệp đích thực và đảm bảo lợi ích của Cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc cho biết định hướng ưu tiên hợp tác Hải quan ASEM trong thời gian tới là:

 a. Tạo thuận lợi thương mại và an ninh cho dây chuyền cung ứng:  Theo đó, Hải quan ASEM sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng kế hoạch hành động tạo thuận lợi cho thương mại (TFAP) bao gồm cả vấn đề tiêu chuẩn hoá, đơn giản hoá thủ tục hải quan về các vấn đề hải quan giai đoạn 2011-2012 để thực hiện; Đồng thời xác định các biện pháp cụ thể để tiến hành hỗ trợ các nước thành viên ASEM trong việc xóa bỏ khoảng cách và thực hiện các yêu cầu liên quan đến xây dựng và thực hiện các chương trình  đối tác thương mại (AEO) và/hoặc các chương trình đơn giản hóa thủ tục hải quan khác, đặc biệt việc xây dựng các chương trình AEO tương thích với các thành viên khác;

b. Chống vi phạm QSHTT (IPR): Bao gồm: Hợp tác đầy đủ trong việc thực hiện các hoạt động chung đã được nhất trí, phân tích và đánh giá kết quả, bài học đã thu được để xây dựng các khuyến nghị cho việc cải tiến và các bước tiếp theo. Song song với các hoạt động đó sẽ tiến hành đánh giá tổng thể về những thông lệ hải quan tiên tiến về kiểm soát SHTT trong lĩnh vực hải quan, bao gồm hợp tác với chủ sở hữu   quyền SHTT, hỗ trợ lẫn nhau chống gian lận hàng giả, sử dụng tốt nhất các cơ chế kiểm soát hiện hành, kỹ thuật, số liệu thống kê và trao đổi thông tin về các xu hướng và các vụ bắt giữ;

c. Bảo vệ xã hội và môi trường: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của EU về vai trò của Hải quan trong thực thi pháp luật bảo vệ môi trường; Hải quan ASEM tiến hành đánh giá kết quả và bài học thu được và xây dựng những khuyến nghị đề xuất và xây dựng Tài liệu về thực tiến hoạt động tốt nhất và vai tròng của hải quan trong việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường;

d. Hợp tác với doanh nghiệp: Tiến hành tổ chức thường xuyên “Ngày Hải quan – Doanh nghiệp ASEM” để tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp ASEM thảo luận các định hướng ưu tiên và đóng góp đầu vào.  Đồng thời nghiên cứu mô hình để xây dựng cấu trúc đối thoại với doanh nghiệp về tham vấn và chia xẻ thông tin.

Đối với Doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp ASEM nói chung, là cơ hội tốt để nắm bắt kịp thời các định hướng phát triển của Hải quan các nước Á và Âu, từ đó xây dựng và hoạch định chiến lược hoạt động kinh doanh phù hợp. Thông qua diễn đàn này, doanh nghiệp có cái nhìn rộng hơn về hoạt động và vai trò quan trọng của doanh nghiệp  trong bối cảnh quan lý hải quan hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và trong việc đảm bảo an ninh an toàn cho hàng hoá xuất nhập khẩu.