Hai vấn đề với hoạt động M&A trên TTCK Việt Nam


Hoạt động M&A tại Việt Nam giữa các DN niêm yết chỉ mới ở mức sơ khởi, các thương vụ chỉ mới bắt đầu, mức độ tham gia của các bên liên quan còn chưa sâu sắc.

 

M&A Vietnam là diễn đàn lớn nhất trong năm về mua bán và sáp nhập DN tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và Avalue Vietnam đồng tổ chức.

Nếu như cuộc hội thảo lần đầu vào năm 2009 đã làm rõ một số vấn đề liên quan tới hoạt động M&A của DN như cơ sở pháp lý, các cơ hội của DN, một số bài học kinh nghiệm M&A..., thì diễn đàn Việt Nam 2010 với tên gọi “Hướng tới những thương vụ thành công” tiếp tục cung cấp những thông tin hữu ích liên quan tới lĩnh vực M&A trong nhiều chủ đề chuyên sâu. Triển vọng và các thương vụ M&A trên TTCK là một chủ đề được giới phân tích khá quan tâm.

“Sóng” M&A đang nổi

Hoạt động M&A giữa các DN niêm yết tại Việt Nam diễn ra chỉ thông qua 2 hình thức chính là chào mua công khai và sáp nhập DN thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu.

Điển hình là một số thương vụ tiêu biểu gần đây như: CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) phát hành 88 triệu cổ phiếu để thực hiện mua lại thông qua hình thức hoán đổi toàn bộ vốn của CTCP Xi măng Hà Tiên 2 (HT2) hay CTCP Mirae (KMR) phát hành 14 triệu cổ phiếu để thực hiện mua lại toàn bộ vốn của CTCP Mirae Fiber (KMF) thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu… Vừa qua, ĐHCĐ của NKD và KIDO cũng đồng ý sáp nhập hai công ty vào CTCP Kinh Đô (KDC), ĐHCĐ CTCP Viễn thông Sài Gòn - SaigonTel (SGT) đã thông qua tờ trình về chủ trương sáp nhập Công ty vào Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC)…

Bước sang năm 2010, lần đầu tiên TTCK cũng chứng kiến các sắc thái mới của hoạt động M&A, đó là việc chào mua công khai: CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chào mua 2,1 triệu cổ phiếu của CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) chào mua thành công 3,75 triệu cổ phiếu của CTCP XNK thủy sản An Giang (AGF) để biến AGF thành công ty con.

Điểm qua hoạt động M&A trên thị trường thời gian qua, có thể thấy hoạt động này đối với các DN niêm yết còn rất hạn hẹp cả về số lượng lẫn giá trị. Trong khi đó, các thương vụ có giá trị cao lại diễn ra khá nhiều ngoài thị trường niêm yết.

Tháng 3/2009, Viettel tuyên bố đạt được thỏa thuận mua 18,9% số cổ phần của Vinaconex với giá 20.000 đồng/CP, cao hơn thị giá cổ phiếu Vinaconex cùng thời điểm khoảng 15%.

Đây được coi là thương vụ thành công vì sau hơn 1 năm, khoản đầu tư này hiện mang lại cho Viettel khoản lãi trên sổ sách là 100% (thậm chí vào thời điểm đỉnh cao của cổ phiếu VCG, Viettel lãi gấp 4 lần). Bên cạnh đó, Vinaconex được xem là có lợi thế khi có khả năng tiếp cận với nguồn tài chính dồi dào của Viettel.

Vào tháng 10/2009, HSBC ký thỏa thuận tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Tập đoàn Bảo Việt từ mức 10% lên 18% với trị giá khoảng 105,3 triệu USD. Đây cũng là thương vụ được coi là thành công với cả hai. Bảo Việt kỳ vọng nhận được kinh nghiệm quản trị, khả năng quản lý rủi ro từ một trong các định chế tài chính hàng đầu thế giới.

Ngược lại, vị thế và mạng lưới Bảo Việt đang có giúp HSBC có thể dễ dàng đi trước các đối thủ nước ngoài khác tại thị trường Việt Nam. Vào tháng 11/2009, House Foods Corp - tập đoàn thực phẩm và đồ uống hàng đầu Nhật Bản đầu tư khoảng 20 triệu USD vào Masan Group (MSN) bằng việc mua lại 9 triệu cổ phiếu, giá khoảng 40.000 đồng/CP, cao hơn thị giá MSN khi đó khoảng 14%.

Thương vụ tuy không lớn về giá trị nhưng là điểm sáng trong việc về việc thu hút vốn ngoại trong giai đoạn khủng hoảng. Gần đây nhất, cũng chính Masan đã thực hiện mua lại dự án Núi Pháo từ Dragon Capital, nhưng giá trị hợp đồng không được công bố...

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) cho biết, về chủ trương, năm 2010 PVN sẽ tiếp tục tái cấu trúc cả Tập đoàn theo hướng các công ty trực thuộc tập trung vào ngành nghề chính, giảm thiểu cạnh tranh nội bộ, tăng cường cạnh tranh ra bên ngoài.

Theo đại diện của Kinh Đô, sau bước khởi đầu của Kinh Đô sáp nhập NKD và Kido’s vào Công ty, ngay năm tới Kinh Đô sẽ lên kế hoạch sáp nhập tiếp Vinabico. Xa hơn, Kinh Đô sẽ tìm kiếm sáp nhập hoặc mua lại các DN đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực thực phẩm.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Christompher Kummer, chuyên gia quốc tế về M&A dự báo, sau sự thành công của một số thương vụ M&A, nhiều công ty khác sẽ quan tâm và coi đây là một động lực tìm kiếm sự tăng trưởng mới. Vì vậy, thời gian tới, hoạt động mua bán sáp nhập tại Việt Nam hứa hẹn tiếp tục “tạo sóng”. Lời khuyên của ông Christompher cho các DN Việt Nam là tiến hành M&A tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính và gắn với ngành nghề lõi, nếu có thể hãy mở rộng phạm vi mua bán sáp nhập ra nước ngoài để các công ty lớn mạnh và có vị thế khu vực.

Hai vấn đề đặt ra

Ông Seck Yee Chung, Công ty Luật Baker & Mc Kenzine nhận xét, khó khăn lớn nhất với hoạt động M&A tại Việt Nam là chưa có hành lang pháp lý riêng rẽ cho hoạt động này.

Hiện nay, các quy định về hoạt động M&A nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật: tại Luật Doanh nghiệp, có các quy định về hợp nhất, sáp nhập, mua cổ phần; trong hệ thống pháp luật đầu tư có một số quy định liên quan đến mua bán, chuyển nhượng… thừa nhận hoạt động M&A như một hình thức đầu tư

trực tiếp; Luật Cạnh tranh cũng đã đưa ra những quy định quan trọng liên quan tới hoạt đông M&A, như hành vi hạn chế cạnh tranh, vị thế độc quyền…. Nhiều văn bản nhưng lại thiếu vắng một văn bản luật hay một hướng dẫn thống nhất.

Đồng ý với quan điểm này, ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt bổ sung, các quy định về M&A tại Việt Nam hiện vẫn có độ vênh so với quốc tế. Điều này đặt cả DN, cơ quan quản lý vào trạng thái chưa sẵn sàng. Vì vậy, việc mua bán, sáp nhập hiện nay mới thực hiện đơn lẻ từng trường hợp, chứ chưa kỳ vọng vào việc bùng nổ nhiều thương vụ quy mô lớn trên diện rộng.

Thực tế thời gian qua, các trường hợp M&A thành công như HT2 vào HT1, KMF vào KMR hay NKD, KIDO vào KDC đều mang điểm chung là có nét tương đồng trong mối quan hệ về sở hữu giữa các cổ đông lớn, do đó vấn đề hậu sáp nhập không thành vấn đề lớn. Ông Tô Hải ví von việc mua bán sáp nhập giữa hai công ty như một cuộc hôn nhân mà khi hai công ty thống nhất sáp nhập như ký kết hợp đồng hôn nhân. Sau này, “gia đình” đó có hạnh phúc hay không lại phụ thuộc khá lớn vào văn hóa DN hậu sáp nhập.

Ông Lê Nhị Năng, Phó tổng giám đốc HOSE nhắc đến trường hợp Kinh Đô thâu tóm Tribeco (TRI) như một trường hợp tiêu biểu. Vào năm 2005, KDC âm thầm nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu TRI và bất ngờ tuyên bố đạt tỷ lệ sở hữu 35% số cổ phần trong sự bất ngờ của Ban lãnh đạo TRI.

Cuộc “hôn nhân cưỡng ép” bất đắc dĩ đó không cải thiện tình hình kinh doanh của TRI mà còn kiến Công ty đi xuống sau đó: 2 năm liên tiếp 2008 - 2009, TRI lỗ lũy kế hơn 230 tỷ đồng. Đây là bài học khi chủ sở hữu mới và ban điều hành cũ không tìm được tiếng nói chung.

Theo TS. Christompher Kummer, theo thống kê, trên thế giới chỉ có 25% thương vụ M&A đạt được mục đích, 60% có kết quả không rõ ràng và 15% kết quả không tốt. Vì vậy, M&A là con đường ngắn nhất để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, nhưng không phải là cách các DN Việt Nam phải thực hiện bằng mọi giá.

Hiện nay, hoạt động M&A ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện thông qua sự tư vấn của các CTCK. Tuy nhiên, việc tư vấn chủ yếu mang tính chất xây dựng hồ sơ và thực hiện các thủ tục với các cơ quan chức năng. Chức năng tư vấn thực sự liên quan đến chiến lược phát triển, tổ chức và sắp xếp DN sau khi sáp nhập hầu như chưa được đề cập.

Các hồ sơ về mua bán sáp nhập hầu chưa đưa ra được các con số để có thể đánh giá chính xác mức độ tập trung của DN sau sáp nhập. Như vậy, so sánh với hoạt động M&A diễn ra trên thế giới, ta thấy rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam giữa các DN niêm yết chỉ mới ở mức sơ khởi, các thương vụ chỉ mới bắt đầu, mức độ tham gia của các bên liên quan còn chưa sâu sắc.

Tuy nhiên, với điều kiện TTCK ngày càng thuận lợi, nhu cầu tăng trưởng của DN ngày càng cấp bách, chắc chắn hoạt động này sẽ là một xu hướng mạnh mẽ trên thị trường trong thời gian tới.

Theo Đầu tư Chứng khoán