Hâm nóng địa ốc: Không phải chỉ để cứu “nhà giàu”

Theo Vietnam+

Những băn khoăn về tính thực tế của giải pháp cứu thị trường bất động sản hay câu chuyện “chạy” công chức là các vấn đề hâm nóng phiên họp báo chính phủ đầu tiên của năm 2013 vừa được tổ chức chiều 29/1.

Hâm nóng địa ốc: Không phải chỉ để cứu “nhà giàu”
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Rất nhiều ý kiến trong phiên họp báo đều tỏ ra băn khoăn về việc những giải pháp hâm nóng thị trường địa ốc liệu có đang cứu nhà giàu khi thông tin trước đó cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đều có lãi trong năm 2012.

Trả lời những nghi vấn này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ không bao giờ chỉ cứu nhà giàu mà vì sự phát triển của nền kinh tế.

“Người thu nhập trung bình sẽ được thụ hưởng nhiều hơn nhà giàu,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Người phát ngôn của Chính phủ cho rằng, những giải pháp giúp thị trường bất động sản là dịp để những người trước kia không đủ điều kiện mua nhà sẽ có nhiều điều kiện hơn.

Cũng liên quan đến việc giải cứu thị trường bất động sản, trả lời phỏng vấn của phóng viên về đề xuất lập Công ty tái cho vay nhà ở quốc gia của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho hay, cơ quan này cũng đang nghiên cứu, xem xét đề xuất này và lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.

Nói thêm về tình hình kinh tế đầu năm 2013, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô đang có tín hiệu ổn định hơn nhưng chưa thực sự vững chắc; trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 vẫn ở mức trên 1%.

“Đây là tín hiệu cảnh báo chúng ta phải hết sức thận trọng,” Bộ trưởng nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng, điều này có sự tác động không nhỏ của việc 10 tỉnh tăng viện phí trong thời điểm đầu năm nay. Chỉ riêng việc này đã làm tăng 0,44% trong tổng số 1,25% CPI.

Bởi thế, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian tới, mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng sẽ luôn cần sự phối hợp điều hành để giữ thăng bằng. Đây sẽ là mục tiêu kép cần thực hiện trong năm 2013.

Ngoài những vấn đề kinh tế, phản hồi của Chính phủ quanh câu chuyện chạy công chức cũng được rất nhiều đại biểu tham gia họp báo quan tâm.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ không có chỉ đạo riêng về việc rà soát “chạy” công chức nhưng có yêu cầu cơ quan chức năng chú ý tới việc làm sao nâng cao thái độ thực thi nhiệm vụ của công chức.

Tuy nhiên, chính Bộ trưởng Đam cũng thừa nhận, bộ máy hành chính đang có một bộ phận công chức mà mức độ đóng góp còn hạn chế.

Nhận định đây không phải việc có thể cải thiện ngay, nhưng Bộ trưởng Đam nhấn mạnh đây là công việc phải làm thường xuyên, quyết liệt.

Quan trọng hơn, người phát ngôn của Chính phủ đánh giá, để đạt tới nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, mỗi vị trí trong Bộ máy Nhà nước cần có trách nhiệm rõ ràng và thước đo chuẩn mực chính xác.

Một số chỉ tiêu kinh tế trong tháng 1/2013

Tổng phương tiện thanh toán đến 21/1/2013 ước tăng 0,17% so với tháng 12/2012. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 0,53%, chủ yếu do doanh nghiệp và người dân rút tiền để chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 1,06% so với tháng 12/2012 và ước tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước (không tính đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư).

Trong nửa đầu tháng 1/2013, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 3,1% dự toán; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 33,85 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán.

Xuất khẩu đạt 10,1 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng 12/2012, nhưng tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu khoảng 200 triệu USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong tháng 1/2013 ước đạt 420 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng vốn đăng ký ước đạt 281,5 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp so với tháng trước giảm 3,2%, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 21,1%.