Hạn chế ân hạn nộp thuế nhập khẩu

Do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập DN và nhiều DN không thường xuyên hoạt động xuất-nhập khẩu, nên đã xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế, nhập khẩu hàng hóa sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể. Vấn đề ân hạn thuế nhập khẩu chính vì vậy cần được xem xét thoả đáng và có những biện pháp hợp lý để khắc phục tình trạng này.

Hạn chế ân hạn nộp thuế nhập khẩu - Ảnh 1

Bà Lỗ Thị Nhụ, Vụ trưởng Vụ Kiểm tra thu thuế xuất - nhập khẩu, Tổng cục Hải quan

Để khắc phục tình trạng lợi dụng chính sách thuế nhập khẩu, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… không cho nợ thuế đối với hàng nhập khẩu. Một số nước khác vẫn cho phép nợ thuế đối với hàng nhập khẩu, nhưng người nộp thuế phải có sự bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc người nộp thuế phải có tài khoản do cơ quan hải quan quản lý để bảo đảm việc thu tiền thuế cũng như tiền lãi chậm nộp.  Đối với Việt Nam, qua đánh giá và khảo sát tình hình triển khai ân hạn nộp thuế nhập khẩu, bà Lỗ Thị Nhụ, Vụ trưởng Vụ Kiểm tra thu thuế xuất - nhập khẩu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) khi trả lời báo Đầu tư đã cho biết, sắp tới, dự kiến sẽ hạn chế ân hạn thời gian nộp thuế nhập khẩu; người nộp thuế phải nộp các loại thuế trước khi được thông quan, hoặc giải phóng hàng hóa nhập khẩu.

Thưa bà, chính sách ân hạn nộp thuế nhập khẩu đã giúp quay nhanh được vòng vốn, sớm đưa nguyên vật liệu vào sản xuất, giảm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp nộp thuế. Nếu hạn chế chính sách này, chắc chắn doanh nghiệp nộp thuế sẽ gặp những khó khăn?

Theo quy định hiện hành, hàng tiêu dùng phải nộp thuế (giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường) trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Trong trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn về tài chính, không thể nộp thuế ngay khi thông quan, nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng thì cũng được nợ thuế.

Đối với hàng nhập khẩu còn lại như nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị, máy móc… được nợ thuế nhập khẩu, thậm chí được nợ thuế tối đa tới 275 ngày nếu hàng nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Chính sách này đã giúp người nộp thuế chủ động và linh hoạt sử dụng các nguồn tiền để nộp thuế, nhưng cũng phát sinh không ít bất cập, nguy cơ ngân sách bị “xù” thuế rất cao.

Những tồn tại nổi lên trong việc cho nợ thuế đối với hàng nhập khẩu trong thời gian vừa qua là gì?

Trước hết, tạo ra tâm lý chờ đợi được ân hạn thuế.

Thứ hai, tạo kẽ hở để một số đối tượng nộp thuế lợi dụng.

Thứ ba, việc ân hạn thuế vô hình trung đã gây bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu.

Thứ tư, nguy cơ ngân sách bị “xù” tiền nợ thuế.

Theo báo cáo của Cục Hải quan Bình Dương, Đồng Nai…, khi nộp tờ khai nhập khẩu và nộp hồ sơ đề nghị ân hạn thuế, nhiều DN FDI hoạt động kinh doanh tốt, chấp hành đầy đủ các chính sách, nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước, nên không có lý do gì mà không cho họ ân hạn thuế. Trong thời gian ân hạn, DN FDI tăng cường nhập khẩu và có số nợ thuế rất lớn, nhưng gần đến thời điểm phải nộp thuế thì người có trách nhiệm của DN về nước, cơ quan hải quan gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ thuế.

Thế DN trong nước thường sử dụng hình thức nào để “xù” thuế nhập khẩu?

Do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập DN và nhiều DN không thường xuyên hoạt động xuất-nhập khẩu, nên đã xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế, nhập khẩu hàng hóa sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể. Đối với những trường hợp này, ngay cả có bảo lãnh của tổ chức tín dụng cũng rất khó thu hồi nợ thuế do các quy định về bảo lãnh nợ thuế không quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh.

Để khắc phục tình trạng lợi dụng chính sách thuế nhập khẩu, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… không cho nợ thuế đối với hàng nhập khẩu. Một số nước khác vẫn cho phép nợ thuế đối với hàng nhập khẩu, nhưng người nộp thuế phải có sự bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc người nộp thuế phải có tài khoản do cơ quan hải quan quản lý để bảo đảm việc thu tiền thuế cũng như tiền lãi chậm nộp.

Như vậy, sắp tới chúng ta sẽ thực hiện theo hướng nào, thưa bà?

Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi dự kiến sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quy định cụ thể trong Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung quy định, hàng hóa xuất - nhập khẩu phải nộp xong thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng.

Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp, thì người nộp thuế phải nộp tiền lãi chậm nộp 0,05%/ngày tính trên số tiền chậm nộp.Chính phủ sẽ quy định cụ thể thời gian bảo lãnh. Hết thời hạn bảo lãnh, nếu người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền lãi chậm nộp, thì tổ chức bảo lãnh phải nộp thay số tiền thuế, tiền lãi chậm nộp.
                                                                            

Theo Báo đầu tư (Đăng ngày 24/02/2012)