Hạn chế rủi ro khi mua sắm qua sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng Việt Nam

Nguyễn Duy Anh – Sinh viên Công nghệ thông tin - Trường Đại học Điện lực

Tại Việt Nam, các sàn giao dịch thương mại điện tử phổ biến như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Hotdeal, Adayroi và gần đây là TikTok Shop ngày càng phát triển trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng. Bên cạnh những mặt tích cực, việc mua sắm thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đem đến không ít những rắc rối và phiền toái cho người tiêu dùng như: việc quảng cáo, mô tả sản phẩm không đúng hay tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, thậm chí là bị lừa gạt trên các nền tảng giao dịch thương mại điện tử. Bài viết này phân tích rủi ro và nguyên nhân gây rủi ro cho người tiêu dùng Việt Nam khi mua sắm hàng trên sàn thương mại điện tử, nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thực trạng mua sắm hàng tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử ở Việt Nam

Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023, số liệu thu thập được từ một số tổ chức uy tín trên thế giới và kết quả điều tra từ khoảng 11.000 cá nhân người tiêu dùng và gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019 đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD), năm 2020, tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD. Doanh B2C năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước (Hình 1).

Hình 1: Doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2018-2023Nguồn: Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Hình 1: Doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2018-2023
Nguồn: Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Năm 2023, với doanh thu 20,5 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8-8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD.

Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 cho thấy, các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…

Một điểm đáng chú ý, nếu như hoạt động mua sắm của người dùng trên website thương mại điện tử giảm thì kênh mua sắm trên diễn đàn mạng xã hội và các ứng dụng mua hàng trên di động lại tăng mạnh. Cụ thể, hoạt động mua sắm trên diễn đàn mạng xã hội tăng từ 42% lên 65% và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động tăng từ 47% lên 63%. Thời gian trung bình truy cập internet của người dùng Việt Nam (khoảng 6 giờ 23 phút) tương đương với mức trung bình toàn cầu (6 giờ 37 phút), thấp hơn Philippines (9 giờ 14 phút), Thái Lan và Malaysia (cùng 8 giờ 6 phút), Indonesia (7 giờ 42 phút), Singapore (6 giờ 59 phút).

Trên toàn cầu, có 57,6% người dùng internet đã có mua hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến hàng tuần, khoảng 14,2% người dùng internet mua hàng đã qua sử dụng; 23,5% người dùng sử dụng dịch vụ so sánh giá trực tuyến; 18,4% sử dụng dịch vụ mua ngay trả sau. Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%. Cụ thể, tỷ lệ này ở Việt Nam là 60,7%, trong khi đó Thái Lan (66,8%), Hàn Quốc (65,6%), Indonesia (62,6%), Ấn Độ (62,3%), Trung Quốc (61,9%)…

Với những số liệu trên cho thấy, việc kinh doanh qua thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng. Sự phát triển của thương mại điện tử không chỉ giúp các hoạt động kinh doanh thuận lợi mà còn cung cấp nhiều giá trị mới và đáp ứng những nhu cầu mới của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tình trạng và nguyên nhân mất an toàn khi mua sắm trực tuyến

Tình trạng mất an toàn khi mua sắm trực tuyến

Mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến tại Việt Nam, mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, mua sắm trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn, có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng về tài chính, thông tin cá nhân… Một số rủi ro khi mua sắm trực tuyến mà người tiêu dùng gặp phải như sau:

Rủi ro về tài chính: Người tiêu dùng có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng các hình thức: Giả mạo các trang web thương mại điện tử uy tín để thu thập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng; Tạo các chương trình khuyến mãi, giảm giá ảo để dụ dỗ người tiêu dùng mua hàng; Bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Rủi ro về thông tin cá nhân: Người tiêu dùng có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân: tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, tài khoản ngân hàng... Thông tin cá nhân bị đánh cắp có thể bị sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Rủi ro về an ninh mạng: Người tiêu dùng có thể bị nhiễm mã độc, virus, trojan... khi truy cập vào các trang web thương mại điện tử không uy tín hoặc tải các ứng dụng từ các nguồn không đáng tin cậy gây hại cho máy tính và thiết bị di động của người tiêu dùng, đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc gây ra các thiệt hại khác.

Rủi ro về quyền lợi: Người tiêu dùng có thể gặp khó khăn khi đòi quyền lợi của mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp với các nhà bán hàng trực tuyến. Điều này là do các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn chưa đầy đủ và chưa được thực thi nghiêm túc.

Báo cáo của cơ quan chức năng và các tổ chức nghiên cứu giai đoạn 2020-2023 (Bảng 1) cho thấy, tình trạng rủi ro mất an toàn khi mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2020-2023. Lừa đảo vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất, tiếp theo là mất cắp thông tin cá nhân, sản phẩm không như quảng cáo, hàng giả, hàng nhái và lỗi giao hàng.

Bảng 1: Tình trạng mất an toàn khi mua sắm trực tuyến theo các nguyên nhân giai đoạn 2020-2023

Nguyên Nhân

2020

2021

2022

2023

Số vụ việc

Số vụ việc

Tỷ lệ tăng/giảm

Số vụ việc

Tỷ lệ tăng/giảm

Số vụ việc

Tỷ lệ tăng/giảm

Lừa đảo

10.000

12.000

+20%

15.000

+25%

18.000

+20%

Mất cắp thông tin

cá nhân

5.000

6.000

+20%

7.500

+25%

9.000

+20%

Sản phẩm không như quảng cáo

3.000

3.500

+17%

4.000

+14%

4.500

+12.5%

Hàng giả, hàng nhái

2.000

2.500

+25%

3.000

+20%

3.500

+16.7%

Lỗi giao hàng

10.000

1.200

+20%

1.500

+25%

1.800

+20%

Nguồn: Số liệu ước tính dựa trên các báo cáo của cơ quan chức năng và các tổ chức nghiên cứu giai đoạn 2020-2023

 

Nguyên nhân gây ra rủi ro mất an toàn khi mua sắm trực tuyến

Các nguyên nhân chính gây ra rủi ro mất an toàn khi mua sắm trực tuyến gồm:

Thứ nhất, sự phát triển của tội phạm công nghệ cao: Các tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, sử dụng các công nghệ cao để đánh cắp thông tin cá nhân của người tiêu dùng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc tung các mã độc gây hại cho máy tính và thiết bị di động của người tiêu dùng.

Thứ hai, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng: Nhiều người tiêu dùng chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để bảo vệ an toàn cho bản thân khi mua sắm trực tuyến. Họ thường chủ quan, bỏ qua các biện pháp bảo vệ an toàn cơ bản, hoặc dễ dàng bị lừa đảo bởi các chiêu trò của tội phạm công nghệ cao.

Thứ ba, chính sách bảo vệ người tiêu dùng chưa đầy đủ: Các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn chưa đầy đủ và chưa được thực thi nghiêm túc.

Giải pháp hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử Việt Nam

Nhằm hạn chế rủi ro khi mua sắm qua sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước:

Các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý hoạt động mua sắm trực tuyến; Các chính sách, pháp luật cần tạo ra hành lang pháp lý bảo đảm môi trường thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các đối tượng tham gia thương mại điện tử. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động của các sàn thương mại điện tử và xử lý các vi phạm theo quy định; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mua sắm an toàn trên sàn thương mại điện tử.

Đối với sàn thương mại điện tử:

Các sàn thương mại điện tử cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm tra kỹ thông tin về nhà bán hàng, sản phẩm và chất lượng dịch vụ trước khi cho phép họ hoạt động trên sàn. Đồng thời, có chính sách bảo vệ người tiêu dùng như: chính sách đổi trả hàng hóa, chính sách hoàn tiền và chính sách giải quyết khiếu nại.

Cùng với đó, các sàn thương mại điện tử phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm, gian lận…; Nâng cao chất lượng dịch vụ như: cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, hỗ trợ người tiêu dùng trong quá trình mua sắm và giải quyết khiếu nại nhanh chóng…

Đối với người tiêu dùng:

Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, nhà bán hàng, chính sách đổi trả hàng hóa và các quy định của sàn thương mại điện tử trước khi mua hàng; Lựa chọn sàn thương mại điện tử uy tín, ưu tiên mua sắm trên các sàn thương mại điện tử có thương hiệu và được nhiều người tin dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu cùng cần sử dụng các phương thức thanh toán an toàn như thanh toán qua cổng thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán khi nhận hàng; Cẩn thận với các chương trình khuyến mãi, tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình khuyến mãi và điều kiện áp dụng trước khi tham gia. Ngoài ra, người tiêu dùng cần lưu ý bảo mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân cho các website hoặc người bán không uy tín.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2023), Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2023;
  2. Quang Minh (2023), Bảo vệ quyền người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử, https://nhandan.vn/bao-ve-quyen-nguoi-tieu-dung-trong-moi-truong-thuong-mai-dien-tu-post744009.html
  3. Trần Thị Huyền Trang (2023), Nhận diện rủi ro khi tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử Shopee.vn, Tạp chí Công Thương, số 3/2023;
  4. Nguyễn Hoàng (2023), Thương mại điện tử và kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, https://vov.vn/kinh-te/thuong-mai-dien-tu-va-kinh-doanh-co-trach-nhiem-tai-viet-nam-post1060363.vov;
  5. Dr. C. Eugine Franco, Bulomine Regi (2016), Advantages and Challenges of E-Commerce customers and businesses: in Indian perspective. International Journal of Research, 4;
  6. Kok Wai Tham và cộng sự (2019), Perceived Risk Factors Afecting Consumers’ Online Shopping Behaviour. Journal of Asian Finance, Economics and Business, 6(4), 249 – 260.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2024