Chú ý kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử
Khi kinh doanh thương mại điện tử, các hộ và cá nhân kinh doanh phải chú ý đến những quy định liên quan đến pháp luật thuế. Để kiểm soát rủi ro, hiện nay người nộp thuế có thể sử dụng các giải pháp hỗ trợ bằng công nghệ để có thể tuân thủ nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Phát biểu tại Tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử” do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty Cổ phần MISA (MISA) tổ chức ngày 2/8, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng mỗi phiên. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội.
Theo bà Cúc, theo quy định của pháp luật về thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai.
Cụ thể, đối với nhãn hàng, phải kê khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thực tế chốt đơn hàng bán được. Đối với người livestream nộp thuế theo hai hình thức: nếu cá nhân đăng kí nộp thuế với hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% giá trị gia tăng, 2% thu nhập cá nhân); nếu cá nhân không đăng kí kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5%-35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.
Bà Cúc nhấn mạnh, nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cho biết, mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết hiện đang rất phổ biến trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop. Khi kinh doanh trong lĩnh vực này, một số vấn đề về thuế mà nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung cần đặc biệt quan tâm như: Những khoản thuế phải nộp của nhà bán hàng và người sáng tạo khi có doanh thu, thu nhập từ TikTok Shop; nghĩa vụ nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đối với thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động tiếp thị liên kết.
“TikTok là nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký kê khai và nộp thuế nhà thầu đối với nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định hiện tại, TikTokShop không có quyền và trách nhiệm khấu trừ thuế từ nhà bán hàng và vì vậy, TikTokShop cũng sẽ không thực hiện kê khai và nộp thuế thay nhà bán hàng. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, TikTokShop sẽ làm việc với cơ quan thuế khi có yêu cầu dựa trên quy định hiện hành", ông Lâm nói.
Chia sẻ về giải pháp công nghệ của MISA dành cho hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, bà Bùi Thị Trang - Giám đốc Khối Nền tảng Kế toán dịch vụ, Công ty Cổ phần MISA cho biết: “Dựa trên quá trình tìm hiểu và nắm bắt khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ thuế, MISA đã phát triển bộ giải pháp toàn diện kết nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử, đồng bộ dữ liệu vào phần mềm bán hàng để quản lý hàng hóa, tồn kho và doanh thu từ nhiều kênh, tích hợp với hóa đơn điện tử, chữ ký số và phần mềm kế toán của MISA, tự động xuất hóa đơn và truyền dữ liệu lên cơ quan thuế và thực hiện các nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế nhanh chóng, chính xác”.
Đối với hộ kinh doanh chưa có bộ máy kế toán và cá nhân gặp khó khăn trong kê khai và nộp thuế, MISA phát triển nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP giúp kết nối với đại lý thuế và dịch vụ kế toán uy tín để tư vấn thuế theo từng trường hợp, giúp kiểm soát rủi ro và làm chủ dữ liệu xuyên suốt ngay cả khi thuê dịch vụ kế toán.