Hạn mức bảo hiểm của Việt Nam so với các nước trên thế giới


Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Các tổ chức phải tham gia bảo hiểm tiền gửi gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam.
Các tổ chức phải tham gia bảo hiểm tiền gửi gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam.

Trong thực tế, khi tổ chức tín dụng bị đổ vỡ thì vấn đề người gửi tiền quan tâm nhất là họ có được chi trả BHTG không và nếu có thì sẽ là bao nhiêu. Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. 

Hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam và quốc tế

Hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam đã thực hiện qua hai lần điều chỉnh lần lượt từ 30 triệu VNĐ lên 50 triệu VNĐ (năm 2005), và từ 50 triệu VNĐ lên 75 triệu VNĐ (năm 2017). Tuy vây, nhiều ý kiến cho rằng hạn mức này là khá thấp so với mặt bằng chung trong khu vực. Hạn mức bảo hiểm là một trong những yếu tố quan trọng nhằm ổn định niểm tin công chúng vào hệ thống tài chính ngân hàng, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng, giúp hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tâm lý người gửi tiền tránh làn sóng rút tiền hàng loạt.

Theo kinh nghiệm quốc tế về đánh giá hạn mức:  Nguyên tắc 8, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) năm 2014 khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng hạn mức và phạm vi BHTG. Hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một giá trị tiền gửi đáng kể tuân theo kỷ luật thị trường. Hạn mức BHTG cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG.

Theo tài liệu Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả - Hạn mức BHTG của IADI năm 2013, hạn mức BHTG nên bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền. Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc xác định hạn mức BHTG bao gồm nguồn quỹ sẵn có, giai đoạn phát triển kinh tế, mối liên kết với các nước láng giềng, hoặc sự tồn tại của nhiều hệ thống BHTG trong một quốc gia.

Nếu dòng vốn lưu thông của các quỹ giữa các quốc gia láng giềng lớn, hạn mức BHTG của các quốc gia này cần phải tính đến khi xác định các quy định về hạn mức BHTG. Ví dụ, sự khác biệt giữa hạn mức BHTG các nước láng giềng có thể dẫn đến sự tháo chạy của người gửi tiền.

Ngoài ra, hạn mức BHTG nên được xem xét, đánh giá lại thường xuyên và được điều chỉnh một cách thích hợp dựa trên các yếu tố như lạm phát, thay đổi thu nhập của người dân, quy mô tiền gửi của người gửi tiền, kỳ vọng của thị trường và các yếu tố khác tác động tới mục tiêu chính sách công.

Tại thời điểm thành lập BHTGVN năm 1999, theo quy định tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP về BHTG, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 30 triệu đồng.

Năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/1999/NĐ-CP, Chính phủ đã nâng hạn mức BHTG lên 50 triệu đồng để phù hợp với sự thay đổi của kinh tế - xã hội. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực từ 5/8/2017, theo đó hạn mức BHTG được nâng lên là 75 triệu đồng. Như vậy, trong 20 năm qua, hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam đã được điều chỉnh 2 lần.

Thời điểm 2017, khi tăng hạn mức BHTG lên 75 triệu đồng thì tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm là 87,32%, vẫn thấp hơn so với khuyến nghị của IADI.

Theo kết quả khảo sát thường niên của IADI năm 2019, trong số 54 tổ chức BHTG tính toán tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ thì 44 tổ chức (chiếm 81%) bảo vệ toàn bộ trên 90% người gửi tiền được bảo hiểm. BHTGVN là một trong ít tổ chức có tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm dưới 90%.

Hạn mức BHTG tại Việt Nam so với các nước láng giềng

Năm 2018, hạn mức BHTG (theo đô la Mỹ) của Việt Nam thấp thứ 5/18 tổ chức BHTG trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham gia trả lời khảo sát, chỉ cao hơn Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Cộng hòa Kyrgyz. Tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (99,83%), Mông Cổ (99,80%), Đài Loan (98,30%), Malaysia (98,00%), Singapore (91,00%).

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát, hạn mức BHTG trên thế giới dao động ở mức từ dưới 1.000 đô la Mỹ đến 300.000 đô la Mỹ. Một số tổ chức BHTG áp dụng bảo hiểm toàn bộ. Tính đến hết năm 2018, hạn mức BHTG trung bình là 70.000 đô la Mỹ cho mỗi cá nhân tại mỗi tổ chức tín dụng và đã tăng đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam nằm trong số những nước có hạn mức BHTG thấp nhất thế giới (thấp thứ 15/113 tổ chức trên thế giới tham gia trả lời khảo sát).

Như vậy có thể thấy, hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay là tương đối thấp. Điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền. Vì vậy, để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào chính sách BHTG nói riêng và hệ thống tài chính ngân hàng nói chung, từ đó thu hút tiền gửi của người dân, BHTGVN nên xem xét đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm để phù hợp với thông lệ quốc tế.