Covid-19 tái bùng phát ở Hàn Quốc: Khả năng phục hồi kinh tế bị đe dọa
Nền kinh tế Hàn Quốc vừa có dấu hiệu khởi sắc, thì một đợt bùng phát mới các trường hợp lây nhiễm Covid-19 do chủng mới buộc Chính phủ nước này tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất kể từ tháng 3.2020.
Gia tăng trở lại các ca nhiễm mới
Từng được coi là hình mẫu cho các nỗ lực kiềm chế và kiểm soát Covid-19 khi dịch bệnh này nhanh chóng lây lan khắp thế giới vào năm ngoái, Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn để ngăn chặn các biến chủng của virus Corona ở nhiều địa phương trên cả nước.
Để đối phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm mới, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng các biện pháp ngăn cách xã hội lên mức cao hơn ở khu vực Seoul rộng lớn kể từ ngày 12.7. Mặc dù những biện pháp hạn chế này chưa phải mức cao nhất là phong tỏa hoàn toàn để giữ cho nền kinh tế hoạt động ổn định, nhưng nếu tình trạng gia tăng các ca nhiễm mới không sớm được kiểm soát, tiến trình phục hồi kinh tế đầy hứa hẹn của Hàn Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giống như những nơi khác trên thế giới, biến thể Delta đứng sau làn sóng gia tăng đột biến về số ca mắc mới ở Hàn Quốc. Trung bình trong 7 ngày, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng lên gần 1.200 vào đầu tuần này, gần gấp đôi so với số ca nhiễm mới của ngày 1.7. Hàn Quốc đã đạt được tiến bộ nhất định trong việc phân phối vaccine, với tỷ lệ phần trăm dân số đã được tiêm ít nhất một liều tăng từ 7,6%vào ngày 25.5 lên 29,1% vào ngày 19.6 nhưng con số nay vẫn dậm chân từ đó đến nay.
Mặc dù các ca mắc mới vẫn chưa đến mức báo động (tính đến ngày 15.7, số ca mắc mới hàng ngày vẫn chỉ bằng 50% so với mức trung bình của thế giới) và Hàn Quốc gần đây đã ký một thỏa thuận mua 700.000 liều vaccine của Israel trong tương lai gần, Chính quyền Seoul vẫn buộc phải có các hành động bổ sung.
Siết chặt các biện pháp phòng dịch
Các biện pháp giãn cách xã hội vừa được áp đặt ở khu vực thủ đô, nơi virus đang lây lan nhanh chóng, được đánh giá là nghiêm ngặt nhất kể từ khi Hàn Quốc áp đặt giãn cách ở thành phố Daegu vào thời kỳ đỉnh điểm của đợt bùng phát đầu tiên ở Hàn Quốc hồi tháng 3 năm ngoái.
Theo các quy định mới, nghiêm cấm tụ tập trên 4 người vào ban ngày; kể từ 6h chiều, người dân không được tụ tập quá hai người. Tất cả các cuộc mít tinh và biểu tình đều tạm thời bị cấm; sự kiện thể thao lớn sẽ không được phép có khán giả trực tiếp; còn các sự kiện tôn giáo phải tiến hành từ xa. Các câu lạc bộ đêm, quán bar và các cơ sở tương tự khác bị buộc phải đóng cửa nhưng các phòng tập thể dục, khách sạn, rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc, nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng bán lẻ được phép mở cửa với một số hạn chế mới nhất định. Trừ các công ty trong lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp và khối văn phòng được yêu cầu cho phép 30% nhân viên làm việc tại nhà.
Nền kinh tế Hàn Quốc bị chi phối bởi một số ít các công ty và tập đoàn khổng lồ (Chaebol). Các tập đoàn này tận dụng quy mô và chuyên môn kỹ thuật của họ để duy trì sức mạnh trong suốt đại dịch. Nhiều tập đoàn trong số này đã dựa vào xuất khẩu để tồn tại, và không có dấu hiệu nào cho thấy làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ ảnh hưởng khác nhiều đến họ.
Thực tế, các tập đoàn này đã điều chỉnh chính sách của riêng họ cùng với những biện pháp hạn chế mới này, chẳng hạn như tăng cường cho nhân viên làm việc từ xa, tạm ngừng các chuyến công tác, tiến hành ký kết hợp tác qua kênh trực tuyến cũng như tiến hành các cuộc họp với đối tác bằng hình thức hội nghị truyền hình.
Mặc dù các biện pháp y tế cộng đồng mới này đã được điều chỉnh và tính toán nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng đối với nền kinh tế trong nước, nhưng chúng vẫn có khả năng gây ra những thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các ngành khác phụ thuộc vào tương tác trực tiếp chẳng hạn như các ngành dịch vụ và khách sạn, vốn đang gặp khó khăn ngay cả trước Covid-19, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc công bố trong tuần này cho thấy doanh số bán hàng của các thương nhân độc lập đã giảm 78,5% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm 2020, với 58% số người được hỏi cho rằng sự sụt giảm là do Covid-19. Cửa hàng quần áo và hoa, nhà hàng, tiệm giặt khô và tiệm làm tóc là một trong những loại hình kinh doanh có nhiều khả năng báo cáo lỗ nhất và tình trạng có thể còn tồi tệ hơn.
Trong một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vào tháng trước nhấn mạnh rằng mức tăng 14,1% cho vay doanh nghiệp vào cuối quý đầu tiên năm nay so với cùng kỳ năm 2020 là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm cách trang trải chi phí hoạt động ngay cả khi các doanh nghiệp lớn chọn huy động vốn từ thị trường tài chính.
Vai trò của xuất khẩu và Chaebol
Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt mới được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang có nhiều khởi sắc. GDP của Hàn Quốc trong quý đầu tiên năm 2021 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng. So với quý cuối cùng của năm 2020, thời kỳ tăng đột biến số ca nhiễm virus corona trước đó, lượng tiêu thụ trong ba tháng đầu năm đã tăng 1,3% - mức tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ quý hai năm 2020, thời điểm số ca mắc mới hiếm khi vượt quá 50 ca trong một ngày.
Mặc dù vậy, khả năng phục hồi kinh tế tổng thể của Hàn Quốc sau đại dịch vẫn tiếp tục phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và Chaebol. Trong năm 2020, tỷ lệ suy giảm kinh tế của Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất trong số các nền kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); nguyên nhân chính là nhờ xuất khẩu tăng mạnh trong nửa cuối năm. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc đã chậm lại trong năm nay, nhưng đầu tư vào các cơ sở sản xuất mới lại tăng tốc.
Cả hai chỉ số trên đều liên quan chặt chẽ đến các Chaebol. Các tập đoàn gia đình trị của Hàn Quốc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu như chất bán dẫn, ô tô, hóa dầu và tàu thủy. Phần lớn khoản đầu tư mới là xuất phát từ nỗ lực phát triển hơn nữa năng lực xuất khẩu của các công ty này, chẳng hạn như việc Samsung Electronics và SK Hynix tăng chi tiêu để xây dựng các nhà máy bán dẫn mới.
Tuy nhiên, sự phục hồi chậm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng thu nhập của Hàn Quốc mặc dù tầm quan trọng kinh tế của các doanh nghiệp này chỉ chiếm 12% số lao động có việc làm. Ngoài ra, nếu virus tiếp tục lây lan với tốc độ hiện tại, nó có thể dẫn đến tình trạng đình trệ dây chuyền sản xuất đối với hàng hóa xuất khẩu, tương tự như những gì đã xảy ra với Hyundai, Samsung và LG năm ngoái. Ngoài ra, tình trạng lây lan của biến thể Delta lan rộng ở những nước khác cũng sẽ dẫn đến nguy cơ gián đoạn nhu cầu và suy giảm khả năng xuất khẩu của Hàn Quốc.
Mặc dù 2 tuần giãn cách xã hội không nghiêm trọng đến mức có thể phá vỡ nền kinh tế Hàn Quốc, nhưng nếu virus biến thể tiếp tục lây lan mà không được kiểm soát tốt trước khi vaccine có thể được phân phối rộng rãi hơn, điều này có thể phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng trong tương lai gần của nền kinh tế Hàn Quốc.
Khi đó, Chính phủ nước này sẽ phải tính đến các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn so với kế hoạch trước đó. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ bằng tiền mặt để giúp họ vượt qua gánh nặng của cuộc khủng hoảng Covid-19. Nhà Xanh cũng đang xem xét một khoản ngân sách bổ sung trị giá 33 nghìn tỷ won (28,7 tỷ USD) - gói thứ ba như vậy kể từ khi bắt đầu đại dịch, bao gồm các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ để thúc đẩy tiêu dùng.