Hàng hoá dồi dào, giá cả ổn định trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19
Báo cáo mới nhất của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, tính đến chiều ngày 2/2, tại các địa phương xuất hiện ca nhiễm Covid-19 như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai… đều đảm bảo nguồn hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định, không có biến động tăng giá, nhất là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục QLTT, thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/03/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19. Lực lượng QLTT cả nước đã quyết liệt kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, tại Hải Dương, tình hình thị trường tính đến ngày 02/2/2021 vẫn bình ổn, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá các mặt hàng phòng chống dịch và mặt hàng phục vụ Tết. Một số cửa hàng đã tạm thời đóng cửa do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đối với mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh đủ cung ứng cho người tiêu dùng, không có hiện tượng khan hiếm, giá cả ổn định như khi không có dịch.
Còn tại Quảng Ninh, tình hình giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cơ bản ổn định; giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Nguồn cung lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại dồi dào. Giá một số mặt hàng: Giá rau củ quả ổn định, cà chua 8.000 đồng/kg, bí xanh 12.000 đồng/kg, bắp cả 7.000 đồng/kg, dầu ăn trung bình 43.000 đồng/lít, tôm sú 320.000 đồng/kg…
Tại Gia Lai, các mặt hàng nước sát trùng, găng tay y tế,... được bày bán ở các cửa hàng bách hóa tổng hợp, các cơ sở kinh doanh thuốc tây, các hệ thống siêu thị Vinmart và Coopmart trên địa bàn tỉnh với giá cả phù hợp (khẩu trang: 40.000 đồng/hộp đến 50.000 đồng/hộp; nước sát khuẩn khô lifebuoy loại 235ml giá 75.000 đồng/chai).
Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm giá cả ổn định. Qua công tác rà soát, trinh sát, tại thời điểm hiện tại hầu hết các cơ sở đều bán hàng hóa theo đúng quy định, có nguồn gốc và giá bán hợp lý, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ găm hàng, bán cao hơn giá niêm yết.
Ngày 02/02/2021, các đội QLTT trực thuộc tiếp tục ký 29 bản cam kết tới các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nội dung cam kết: “Niêm yết giá đầy đủ; bán đúng giá niêm yết và bán hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng; không găm hàng, đầu cơ, tích trữ. Đảm bảo quyền lợi người mua hàng đúng theo quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, tổng số bản cam kết đã được các cơ sở kinh doanh ký là: 361 bản.
Tại TP. Hà Nội, diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người tiêu dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường thành phố vẫn giữ ổn định.
Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn. UBND TP. Hà Nội yêu cầu tất cả các cửa hàng kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường, quán Bar trên địa bàn thành phố tạm dừng hoạt động từ 0h00 ngày 01/02/2021 để đảm bảo công tác phòng dịch bệnh Covid-19 cho đến khi có thông báo mới; các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có biện pháp phòng chống, dịch.
Cục QLTT TP. Hà Nội chỉ đạo các Phòng, Đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát trong hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố trong tình hình diễn biến mới của dịch bệnh; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, đảm bảo sự hiệu quả kịp thời trong công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh doanh khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn ra bình thường, không khan hiếm. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ hoạt động bình thường và và tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tiêu biểu như tại Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế Quận 10, các điểm kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Giản Thanh, Tam Đảo, các nhà thuốc trên địa bàn quận 10 vẫn mở cửa bán các mặt hàng thuốc, khẩu trang y tế, trang thiết bị, vật tư y tế,... nhu cầu mua khẩu trang y tế vẫn ổn định, không có biến động, chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm găm hàng, bán nâng giá,...
Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ.
Thông qua các hoạt động kiểm tra, kiểm soát từ ngày 24/7 đến ngày 02/02/2021 lực lượng QLTT các tỉnh thành đã kiểm tra, giám sát 282 vụ; tổng số tiền xử phạt là 1,16 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 02/02/2021 số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường là 9.575 vụ. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6,12 tỷ đồng.
Trước đó, vì diễn biến mới, phực tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về thực hiện biện pháp chủ động phòng chống dịch Covid-19, Tổng cục QLTT có Công văn hỏa tốc số 199/TCQLTT-CNV ngày 29/01/2021 yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh. Chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas,..., thì báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 địa phương và Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.