Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày

PV.

Bên cạnh những tác động tích cực phát triển kinh tế biên giới thì hoạt động tạm nhập tái xuất đang bộc lộ nhiều bất cập, ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, có quy định cụ thể về tạm nhập, tái xuất hàng hóa, trong đó cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm giám sát hàng tạm nhập, tái xuất cho tới khi tái xuất ra khỏi Việt Nam.

Hàng tạm nhập, tái xuất phải chịu sự giám sát cho tới khi tái xuất ra khỏi Việt Nam. Nguồn: Internet
Hàng tạm nhập, tái xuất phải chịu sự giám sát cho tới khi tái xuất ra khỏi Việt Nam. Nguồn: Internet
Hiện tại, thời hạn lưu giữ hàng hóa tạm nhập, tái xuất khá dài, trong khi đó, các doanh nghiệp lại được phép đưa hàng ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan và tự chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa trong thời gian lưu giữ. Đây là khoảng trống để doanh nghiệp lợi dụng vi phạm.
Trên thực tế, cơ quan hải quan đang quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất về cơ bản tương tự như đối với các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thương mại khác. Do vậy, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được thực hiện kiểm tra theo chế độ quản lý rủi ro và dựa trên cơ sở các nguồn thông tin thu thập tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Hiện nay, có thực trạng nhiều trường hợp lô hàng tạm nhập tái xuất sau khi được nhập nguyên container về rồi vận chuyển lên biên giới, được chia nhỏ ra và tiêu thụ tiểu ngạch. Việc tiêu thụ như trên cũng không đúng theo quy ước thương mại quốc tế nên việc phát hiện vi phạm sẽ tác động rất xấu đến uy tín hàng hóa Việt Nam.
Nhiều hàng hoá nông, lâm, thủy sản tạm nhập tái xuất thuộc danh mục cấm nhập khẩu, tiêu thụ trong nước đã được tuồn ra ngoài thị trường, tiêu thụ trót lọt. Do không phải đóng thuế nên giá các mặt hàng này rẻ hơn so với mặt bằng giá chung của thị trường khá nhiều. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến thị trường nông, lâm, thủy sản trong nước và tạo cuộc chiến cạnh tranh giá cho hàng Việt Nam.
Nghị định số 69/2018/NĐ-CP được ban hành đã quy định rõ, thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các quy định sau: Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định; Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; Hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; Hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
Trong trường hợp hàng hóa không thuộc quy định trên thì thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan.
Đồng thời, theo Nghị định này, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.
Nghị định quy định rõ, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực hiện tái xuất ra khỏi Việt Nam; Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định. Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng container để tái xuất thì thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan.
Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; Thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất. Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế.
Chính phủ quy định rõ, kinh doanh tạm nhập, tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu ký với thương nhân nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Trong đó, hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.