Tìm nguồn tài chính cho doanh nghiệp logistics chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế. Nguồn tài chính nào cho doanh nghiệp logistics thực hiện đang là bài toán khó.

Tất yếu phải chuyển đổi xanh
Theo ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những biến động chưa từng có, từ đứt gãy chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá, chi phí vận tải tăng cao, đến các rào cản kỹ thuật như thuế carbon và tiêu chuẩn ESG từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ mang tính lịch sử.
“Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế”, ông Khoa khẳng định.
Với trách nhiệm của ngành dịch vụ quan trọng, ông Khoa cho rằng, Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để ngành logistics Việt Nam định vị vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. VLA cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý để xây dựng lộ trình chuyển đổi rõ ràng, khả thi, từ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa vận hành, đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã cập nhật những tiêu chuẩn ngày càng gắt gao của thế giới về phát triển xanh và bền vững.
Logistics xanh đã nằm ở trung tâm trong chiến lược phát triển, trách nhiệm với môi trường và các yêu cầu pháp lý, thậm chí lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông Công, trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới, hàng rào thuế đối ứng từ thị trường lớn như Hoa Kỳ, sự dịch chuyển và tái cấu trúc thương mại toàn cầu, tác động từ xung đột địa chính trị giữa các quốc gia, biến động giá nhiên liệu, khủng hoảng container, cùng với đòi hỏi về tiêu chuẩn ESG, Net Zero và thuế biên giới carbon… đang dần trở thành hàng rào kỹ thuật mới, buộc doanh nghiệp logistics phải chuyển đổi để tồn tại và nâng sức cạnh tranh.
Khẳng định Logistics xanh là chìa khóa vượt qua biến động, phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu, Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp đang tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, hướng tới giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Thông qua việc đầu tư vào phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng container thông minh, tối ưu lộ trình, số hoá quản lý kho bãi, logistics xanh còn hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí dài hạn. Khi giá dầu, giá vận chuyển luôn biến động, đây là “lá chắn kinh tế” rất cần thiết.
Trước xu hướng phát triển bền vững của toàn cầu, logistics xanh đang trở thành tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu và yêu cầu của khách hàng, trong đó thị trường lớn châu Âu đã triển khai cơ chế CBAM - đánh thuế carbon lên hàng nhập khẩu có phát thải cao. Đặc biệt, sở hữu chứng chỉ xanh, doanh nghiệp đang tạo cho mình lợi thế cạnh tranh vượt trội trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chứng chỉ xanh sẽ là điểm vượt trội.
Cần hỗ trợ chính sách và tài chính xanh
Mặc dù chuyển đổi xanh và phát triển chuỗi cung ứng bền vững là xu thế tất yếu, song các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản: từ thiếu vốn và công nghệ, năng lực chuyên môn hạn chế, đến áp lực từ chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính xanh và tuân thủ các tiêu chuẩn ESG.
Đưa ra các con số cụ thể, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Xanh TP. Hồ Chí Minh Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng, Việt Nam có 90% doanh nghiệp logistics là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, khiến việc tiếp cận nguồn tài chính xanh gặp khó khăn.
Trong khi đó, đầu tư vào công nghệ xanh, như phương tiện vận chuyển tiết kiệm năng lượng, hệ thống quản trị thông minh, hoặc năng lượng tái tạo, đòi hỏi nguồn vốn lớn
Từ thực tế trên, bà Thanh Mẫu đề xuất, để thúc đẩy logistics xanh tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030, cần triển khai đồng bộ các giải pháp chiến lược: nâng cấp hạ tầng logistics theo hướng tích hợp và tiết kiệm năng lượng; hoàn thiện khung pháp lý và tài chính xanh nhằm tạo động lực đầu tư cho doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa và ứng dụng công nghệ thông minh; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về logistics bền vững.
Trong đó, ngoài việc đào tạo và chia sẻ kiến thức, cần hỗ trợ chính sách và tài chính xanh cho doanh nghiệp. Cần các cơ chế ưu đãi tín dụng, quỹ đầu tư xanh, và chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bền vững.
Sự kết hợp giữa đầu tư hạ tầng, hỗ trợ chính sách, đổi mới công nghệ và chuyển đổi tư duy sẽ là chìa khóa giúp logistics xanh trở thành động lực tăng trưởng và cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa xanh.
Chia sẻ về việc đầu tư, tiên phong thử nghiệm giải pháp bền vững, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Macstar Group cho biết, từ năm 2023, Macstar Group đã lập nhóm vận tải đường thuỷ nội địa, vận tải ven biển và chạy thử nghiệm tuyến đầu tiên kết nối Hải Phòng - Ninh Bình bằng các tàu thuỷ nội địa. Trong thời gian này, Macstar Group đã triển khai đầu tư, đóng mới tàu thuỷ có sức chở lớn hơn, tiên phong khai thác vận tải biển.
Nhờ vậy, thời gian truyền tải tiết kiệm được một nửa. Hiện công ty đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư tàu lớn hơn có sức chở tốt hơn, tiết giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và giảm phát thải carbon…