Hàng tồn đọng tại cảng Hải Phòng: Lộ diện nhiều hàng cấm
(Tài chính) Qua gần 1 năm thực hiện Kế hoạch 98/KH-TCHQ (ngày 22/6/2012 của Tổng cục Hải quan) về xử lí hàng hóa quá hạn làm thủ tục hải quan, tồn đọng tại khu vực cảng Hải Phòng, lực lượng Hải quan đã phát hiện hàng trăm container hàng cấm, trị giá hàng vi phạm lên đến nhiều tỉ đồng.
Quyết liệt với hàng cấm
Trước thực trạng tồn đọng quá nhiều hàng hóa ở khu vực cảng Hải Phòng gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu ở cửa ngõ giao thương quan trọng nhất khu vực phía Bắc, cũng như công tác quản lí của cơ quan Hải quan, Tổng cục Hải quan đã tổ chức thực hiện Kế hoạch 98 với lực lượng chủ công là Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Hải quan Hải Phòng và các cục hải quan khu vực biên giới phía Bắc.
Đến thời điểm 12/7/2012 (thời điểm Kế hoạch 98 bắt đầu triển khai) tại khu vực cảng Hải Phòng còn tồn đọng 6.779 container quá hạn chưa làm thủ tục hải quan, trong đó không ít lô hàng ẩn chứa hàng lậu, hàng cấm.
Theo đánh giá của Cục Hải quan Hải Phòng, qua gần 1 năm thực hiện Kế hoạch 98, đến nay cơ bản quản lí được hàng hóa quá hạn làm thủ tục tồn đọng ở khu vực cảng Hải Phòng thông qua việc xác định được mặt hàng, chủ hàng, vị trí lô hàng tại cảng… xác định được tờ khai quá hạn nhưng chưa thanh khoản để có biện pháp đôn đốc, xử lí.
Thông qua công tác thu thập thông tin, xác định trọng điểm, tổ chức khám xét, xác lập chuyên án đấu tranh, cơ quan Hải quan đã phát hiện, làm rõ nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan Hải Phòng, lực lượng Hải quan đã kiểm tra, khám xét trên 1.000 container và phát hiện hàng trăm container hàng hóa vi phạm, tổng trị giá hàng hóa ước tính lên đến cả trăm tỉ đồng.
Cục Hải quan đã xử phạt nhiều trường hợp với tổng số tiền phạt, tiền tịch thu bán đấu giá ước tính trên 1 tỉ đồng và truy thu thuế nhiều tỉ đồng. Hàng hóa vi phạm khá đa dạng từ một số mặt hàng thực phẩm đông lạnh thuộc diện cấm nhập đến phế liệu, hàng cấm, hàng hóa đã qua sử dụng…
Một số trường hợp điển hình có nhiều hàng hóa bị Cục Hải quan Hải Phòng xử lí thời gian qua như: Xử phạt, buộc tái xuất hàng chục conatiner và tiêu hủy nhiều conatiner hàng hóa là chân gà, thịt bò có lẫn nội tạng, cánh gà, mề gà. Đối với hàng hóa là phế liệu, cũng có hàng chục container nhựa phế liệu bị buộc tái xuất. Hải quan Hải Phòng cũng tịch thu 7 container xe đạp cũ.
Đặc biệt, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thống nhất đề xuất Ủy ban Nhân dân TP. Hải Phòng buộc tái xuất 31 container ắc quy chì (hàng hóa vi phạm Công ước Basel). Đây là những tang vật của các vụ vi phạm do Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra, phát hiện.
Ngoài việc phối hợp với Hải quan Hải Phòng, Cục Điều tra chống buôn lậu còn trực tiếp kiểm tra, khám xét, xử lí hàng trăm container. Nổi bật trong đó là nhiều container nội tạng gia súc, gia cầm, có trị giá hàng hóa vi phạm lớn, hồ sơ vụ việc được chuyển cho Cục Hải quan Cao Bằng xử lí. Bên cạnh đó một số trường hợp vi phạm liên quan đến mặt hàng đường với tang vật vi phạm hàng trăm tấn cũng được kịp thời xử lí…
Vướng xử lí
Nhiều lô hàng quá hạn làm thủ tục hải quan có vi phạm đã được phát hiện, xử lí. Tuy nhiên, việc giải quyết dứt điểm vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan đến loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất; hàng hóa thuộc Danh mục cấm theo các công ước quốc tế…
Theo quy định tại Thông tư 194/2010/TT-BTC hàng hóa quá hạn làm thủ tục hải quan phải tính thuế và phạt chậm nộp. Tuy nhiên, với trường hợp hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu phải có giấy phép nếu áp dụng quy định này sẽ đồng nghĩa với việc cho phép doanh nghiệp (DN) được nhập khẩu hàng cấm hoặc nhập khẩu hàng hóa phải có giấy phép mà chưa có giấy phép. Quy định khác buộc tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép nhưng DN không xuất trình được cũng có thể dẫn đến việc DN lợi dụng để tái xuất hàng hóa mà không cần giấy phép.
Đối với hàng vi phạm Công ước Basel (về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng) thẩm quyền xử lí vi phạm thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, việc xử lí bàn giao hồ sơ kéo dài trong khi hàng hóa này cần xử lí nhanh để tránh gây ô nhiễm môi trường. Việc tìm địa điểm tiêu hủy cũng là thách thức, vì hàng hóa tiêu hủy gây ô nhiễm môi trường, nhất là với hóa chất độc hại. Có nhiều lô hàng các đối tượng lẩn trốn sự kiểm soát của các quốc gia nên luôn tìm cách che giấu địa điểm xuất khẩu nên không có căn cứ trả tang vật cho nước xuất khẩu…