Hàng Việt khẳng định “chỗ đứng” tại Ấn Độ
(Tài chính) Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành hàng cũng như tăng về trị giá xuất khẩu, dần dần tạo được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin đối với người tiêu dùng tại thị trường này.
Ấn Độ hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Năm 2010 là năm trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 992 triệu USD, tăng tới hơn 136% so với năm 2009. Sang năm 2011, con số này lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD (hơn 1,5 tỷ USD), tăng hơn 53%. Tuy nhiên năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đã tăng trưởng chậm hơn hai năm 2011 và 2010, nhưng vẫn đạt gần 1,8 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành hàng cũng như tăng về trị giá xuất khẩu, tạo được thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng.
Năm 2011 và 2012, đã có nhiều mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp xuất khẩu sang Ấn Độ đạt trên 100 triệu.
Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Ấn Độ, với tổng kim ngạch đạt trên 1,1 tỷ USD. Thứ hai phải kể tới là mặt hàng sắt thép các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này từ năm 2008 – 2012 đạt 294 triệu USD, đứng thứ 5 trong tất cả các mặt hàng. Dự báo đến năm 2020, Ấn Độ sẽ sử dụng khoảng trên 200 triệu tấn sắt thép cho mục tiêu trên.
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép như sản phẩm khung sắt thép, kết hợp với các nguyên vật liệu khác như nhựa, mây, vải… để đảm bảo ổn định xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm.
Cao su là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ.
Tận dụng lợi thế xuất khẩu nông sản
Do Ấn Độ xuất khẩu hơn 500.000 tấn gia vị/năm nên nước này cần nhập các mặt hàng nông sản của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều… để chế biến và tái xuất. Đây là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh trong dài hạn của Việt Nam.
Đối với mặt hàng cà phê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đều có tốc độ tăng trưởng ổn định. Năm 2012, đã tăng đến 6 lần, đạt 57,5 triệu USD và Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất cho Ấn Độ mặc dù Ấn Độ là nhà sản xuất cà phê đứng thứ 3 trên thế giới.
Mặt hàng hạt tiêu trong 5 năm, từ 2008 – 2012 cũng có kim ngạch tăng 4,5 lần và tăng cao nhất trong năm 2011 (gấp đôi so với năm 2010).
Trong nhóm hàng nông sản thủy sản, mặt hàng thủy sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng thấp nhất. Mặt hàng này cũng mới chỉ được xuất khẩu sang Ấn Độ từ năm 2010. Đến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của hàng thủy sản đạt 15,14 triệu USD. Việc hàng thủy sản của Việt Nam khó xuất khẩu sang thị trường này là do Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.
Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu nôgn sản sang thị trường này gồm: Hạt điều, gia vị, chè xanh, chè đen, lạc, tơ, thực phẩm đóng hộp, cao su tự nhiên… Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế.