Hàng Việt và giải pháp cạnh tranh với hàng hoá thương mại điện tử
Hàng Việt Nam đã, đang và sẽ chịu sức ép từ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hàng Việt trước áp lực cạnh tranh vô cùng lớn
Một thông tin được công bố tại Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mới đây đã làm “nức lòng” không ít những người yêu hàng Việt. Đó là, sau 15 năm bền bỉ triển khai, hiện đã có trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.
Bên cạnh đó, hiện chiếm trên 85% hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại; doanh thu bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Với những con số này, hẳn nhiên, hàng Việt Nam đã và đang bền bỉ trên hành trình chinh phục người tiêu dùng. Đặc biệt, đã chinh phục người tiêu dùng bằng chính chất lượng, giá cả, chứ không đơn thuần chỉ là sự vận động hay tinh thần yêu nước như giai đoạn đầu Cuộc vận động được triển khai. “Mảnh đất màu mỡ” với hơn 100 triệu dân của thị trường trong nước đã và đang là “mảnh đất hứa” cho hàng Việt “nảy lộc đâm chồi” và thu “quả ngọt”.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho hay trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, kênh bán hàng online, mặc dù chỉ nắm 5% thị phần, đang bùng nổ với mức tăng trưởng 35-45%, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên hành trình hàng Việt “vươn vai vạn dặm”, nhiều hàng hoá của các quốc gia khác cũng tràn vào Việt Nam. Trong đó, gần đây nhất, sự gia nhập của các sàn xuyên biên giới như Temu và Shein vào thị trường Việt Nam và một số động thái từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới khác như 1688, Taobao làm gia tăng áp lực cạnh tranh, khi trước đó thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo. Giá siêu rẻ, thời gian giao hàng nhanh, sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống thương mại điện tử, logistics, hàng nước ngoài tràn vào khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ.
Tại hội thảo Tiếp sức cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử do Báo Tuổi trẻ tổ chức chiều 20/11, ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS), cho biết một sản phẩm Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử có giá trị chỉ vài chục nghìn nhưng không có nghĩa rằng đã bao gồm toàn bộ tiền ship. Đôi khi nhà sản xuất là người trả số tiền đó cho đơn vị vận chuyển. Điều này khiến giá bán sản phẩm ở mức thấp.
Bên cạnh đó, khi nhập khẩu vào Việt Nam, sản phẩm được xem là hàng hóa cá nhân, chứ chưa chắc đã là hàng buôn bán, dẫn đến việc áp thuế nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Khi thuế thấp, sản phẩm cũng sẽ có giá rất cạnh tranh.
Chưa kể, nhiều năm nay, Trung Quốc đã xây dựng các kho hàng lớn sát biên giới, giúp thời gian vận chuyển sản phẩm đến tay người tiêu dùng rất nhanh chóng. Do đó, dù người tiêu dùng có đặt hàng trên nền tảng xuyên biên giới nhưng thời gian vận chuyển về Việt Nam đôi khi còn nhanh hơn các sản phẩm trong nước vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Công thức “giá rẻ + thời gian vận chuyển ngắn” là công thức giúp hàng hoá từ các nền tảng xuyên biên giới này “thắng” hàng Việt.
Hàng Việt Nam liệu có lép vế?
Cho dù như vậy, song hàng Việt Nam không phải hoàn toàn lép vế. Chị Diệp Lê - một KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế hiện nay với những phiên livestream đem lại doanh thu triệu đô, chia sẻ, vấn đề cần giải quyết khó nhất hiện nay với các đơn hàng quốc tế là cách kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, thế mạnh của hàng Việt Nam là có thể kiểm soát chất lượng đơn hàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt không bị rào cản ngôn ngữ nên đội ngũ chăm sóc khách hàng sẽ hoạt động thuận lợi hơn qua những chiến dịch hậu mãi của mình. Doanh nghiệp Việt cũng sẽ hiểu người tiêu dùng Việt hơn để có thể hoàn thành đơn hàng có trải nghiệm đầy đủ từ livestream lúc bán hàng cho đến khi người tiêu dùng cầm được món hàng trên tay.
Chưa kể, Việt Nam hiện nay có phổ sản phẩm rộng lớn, đa dạng với nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó tiêu biểu là sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP đều là sản phẩm có chất lượng và mang tính đặc thù vùng miền. Nhiều sản phẩm sở hữu câu chuyện đằng sau rất ý nghĩa. Việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, và 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử lẫn thị trường quốc tế.
Đối với logistics, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm logistics khu vực. Theo đề án hiện tại, dự kiến TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 8 hub logistics (trung tâm hậu cần). Chúng ta có thể học hỏi từ các sàn thương mại điện tử, nơi luôn xây dựng những trung tâm logistics hiện đại để chia tách, phân phối hàng hóa, và cả cách làm sao để logistics nhanh hơn, rẻ hơn.
Cũng nhằm giải “bài toán” logistics, hiện Bộ Công Thương đang nhanh chóng xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 (Dự thảo Chiến lược) nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics đồng bộ, toàn diện và tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Dự thảo Chiến lược đặt ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Theo đó, tạo đột phá trong việc xây dựng thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát triển thị trường logistics, thúc đẩy liên kết khu vực và quốc tế…
Dự thảo chiến lược được kỳ vọng sẽ “khoác áo mới” cho bộ mặt dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng phát triển mạnh hơn. Và khi văn bản quan trọng này được ban hành, hàng Việt hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ được “chắp cánh”, nâng cao sức cạnh tranh trước các “gã khổng lồ” thương mại điện tử.