Mở “cánh cửa online” cho hàng Việt xuất khẩu


Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… dư địa, tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn.

Hàng Việt nhiều cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử (Ảnh: Amazon)
Hàng Việt nhiều cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử (Ảnh: Amazon)

Tiềm năng xuất khẩu qua thương mại điện tử rất lớn

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần. Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...

Tại Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, thương mại điện tử xuyên biên giới đang có những cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam gần với thị trường rất lớn là Trung Quốc. Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới như: Amazon, Alibaba, Timo... để hàng hóa khi lên sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất.

Theo một số báo cáo thông tin về thị trường, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm đến khoảng 20-22% giá trị của thương mại điện tử toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 2,3 lần thương mại điện tử.

Bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… dư địa, tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn, có một số ước tính về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, năm 2027 kỳ vọng đạt hơn 11 tỷ USD nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện tử cũng như Nhà nước.

Chia sẻ về tiềm năng của các sản phẩm Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, về lĩnh vực sản xuất, ở Việt Nam có đặc thù sản xuất tại nội địa rất mạnh. Đây là tiềm lực để chúng ta từ đó tận dụng nguồn nhân lực có kỹ năng, có hiểu biết nhất định để phát triển nhiều hơn nữa.

Là một trong những doanh nghiệp nhỏ kinh doanh nông sản hữu cơ, Công ty Organic Viet Food (OVF) đã quyết định đưa sản phẩm hạt điều lên sàn thương mại điện tử để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Xác định làm chuẩn ngay từ đầu, sản phẩm hạt điều Bình Phước đã được OVF xây dựng thương hiệu Newbam với bao bì, mẫu mã, đóng gói… đúng chuẩn để xuất khẩu.

Song song với đó, OVF đã đăng ký kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Amazon, đồng thời kiên trì học hỏi và đáp ứng đúng các tiêu chí do Amazon hướng dẫn. Nhờ đó, sản phẩm hạt điều Newbam đã nhanh chóng được lên kệ của Amazon. Tháng 11/2022, hạt điều Newbam đã xuất đợt hàng đầu tiên đến Mỹ. Đến nay, hạt điều Newbam đã xuất khẩu khá đều đặn đến Mỹ và Canada.

Xoá bỏ rào cản

Theo các chuyên gia, hiện nay, thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường.

Chưa kể, nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều hạn chế...

Do đó, để bán hàng thành công trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp cần hiểu hành vi tiêu dùng của người mua hàng thông qua thương hiệu lựa chọn, mức độ tin cậy, sự tiện lợi và dịch vụ phù hợp, cũng như phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến. Theo đó, các sản phẩm khi đăng bán trên thị trường cần được đóng gói đẹp, nâng cao chất lượng sản phẩm, nên sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường. Đặc biệt, sản phẩm không được vi phạm thương hiệu.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bà Lại Việt Anh cho biết, Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ Kế hoạch tổng thể thương mại điện tử cho giai đoạn 5 năm tới. Theo đó, thương mại điện tử hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh trên thị trường đó, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, bà Lại Việt Anh chia sẻ, hiện nay, tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Vì thế hàng hoá Việt Nam để vươn ra thị trường toàn cầu, doanh nghiệp cần cân nhắc rất nhiều đến yếu tố phát triển bền vững.

Từ góc độ này, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong thương mại điện tử cũng sẽ có vai trò nhất định. Ví dụ, khách hàng có những yêu cầu về truy xuất hàng hoá, đảm bảo được vùng trồng, không vi phạm về chặt phá rừng hoặc đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, chống rác thải… Doanh nghiệp cần giải quyết tất cả những vấn đề đó bằng cách số hoá của quy trình sản xuất chuỗi giá trị, áp dụng đến từng khâu của quy trình của sản xuất… Đó là những yếu tố mà thương mại điện tử phải áp dụng để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo Báo Công Thương