“Hành lang pháp lý là động lực cho doanh nghiệp xã hội phát triển”
(Tài chính) Đây là nhận định của các chuyên gia khi trao đổi với phóng viên về Doanh nghiệp xã hội - một khái niệm mới được đưa vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Qua đó, lần đầu tiên vai trò của khối doanh nghiệp xã hội (DNXH) được đề cập đến một cách rõ nét.
Hành lang pháp lý sẽ gạt bỏ mọi nghi ngờ
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc tạo một hành lang pháp lý cho DNXH là rất cần thiết và lẽ ra phải được thực hiện từ trước đây, bởi lợi ích mà loại hình DN này đóng góp cho xã hội là không nhỏ.
“Điều này Nhà nước và các cơ quan quản lý cần phải tin. Hiện nay chúng ta đang mắc phải một thói quen là nhìn ai cũng thấy người ta vụ lợi, chưa tin vào những thiện ý và hoạt động mang tính chất xã hội, kể cả các DN. Bản thân các DNXH nếu có khuôn khổ pháp lý thì cũng phải cố gắng hoạt động cho tốt, phải kết nối với nhau thành chuỗi, thành cộng đồng”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ quan điểm.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, DNXH là một loại hình DN có nội dung phù hợp với định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nghĩa là DN không chỉ nhằm có lợi nhuận mà còn nhằm phục vụ cho cộng đồng, phục vụ cho người nghèo.
“Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Vấn đề là bây giờ phải làm sao để tạo được khung pháp lý cho DNXH hoạt động hiệu quả, hoạt động hợp pháp. Khi chưa có hành lang pháp lý, các DNXH rất khó thu hút đầu tư vì họ bị nghi ngờ này kia, ngay cả những người được thụ hưởng cũng không dám tin vào các DNXH. Vì thế, nếu có một khung pháp lý cho loại hình DN này, theo tôi rất là rất đáng hoan nghênh. Một xã hội muốn mạnh lên thì phải có kinh tế mạnh. Muốn kinh tế mạnh thì DN phải hoạt động có hiệu quả”, ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, để các DNXH hoạt động minh bạch cần có sự giám sát từ cộng đồng, từ những cổ đông và của báo chí…
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc bổ sung khái niệm DNXH nhằm luật hoá, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các DNXH như một phương thức mới, hỗ trợ Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
“Nếu được đưa vào luật, DNXH được xã hội thừa nhận về pháp lý, từ đó chú ý, tiến tới nâng cao và khuyến khích các giá trị mà họ đang theo đuổi. Hành lang pháp lý là động lực cho DNXH phát triển. DNXH kinh doanh có lợi nhuận nhưng họ không chia cho cổ đông mà tái đầu tư. Chúng tôi nhận thấy giá trị của họ khác với DN bình thường. Nếu Nhà nước và xã hội thấy có giá trị thì cần có những chính sách khác biệt và hỗ trợ họ phát triển”, TS. Nguyễn Đình Cung cho hay.
“Chủ động tìm hiểu yêu cầu đầu tư của các nhà đầu tư xã hội”
Mặc dù vậy, với các DNXH, việc thu hút vốn đầu tư không phải là vấn đề dễ dàng.
Theo bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng, sắp tới khi có hành lang pháp lý, các DNXH cần hiểu rõ thực trạng phát triển và nhu cầu đầu tư của DN mình cũng như có chiến lược kinh doanh và kế hoạch huy động tài chính rõ ràng. Bên cạnh đó, các DNXH cần chủ động tìm hiểu động cơ, giá trị và yêu cầu đầu tư của từng nhóm các nhà đầu tư xã hội khác nhau. Trên cơ sở đó, DNXH cũng cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết về năng lực, về thị trường và đối tác… để có thể tiếp nhận đầu tư một cách có hiệu quả.
“Nguồn vốn cho DNXH có thể rất đa dạng, bao gồm các nguồn vốn cá nhân, các nguồn vốn tài trợ, các khoản vay ưu đãi, các khoản vay thương mại… Hiện chúng ta đang thiếu những nguồn vốn nhỏ (từ 50-100.000 USD) có cơ chế cho vay linh hoạt để giúp các DNXH khởi sự và phát triển trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu”, bà Phạm Kiều Oanh cho hay.
Để tạo điều kiện cho khối DN này, PGS., TS. Nguyễn Thường Lạng, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam cần tranh thủ học tập kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là trong việc ban hành luật pháp để làm bài học kinh nghiệm nhằm rút ngắn thời gian xây dựng, áp dụng chính sách và quy định ở Việt Nam. Ngoài ra, việc tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước của loại hình DN đặc thù này cũng cần được thực hiện nhằm đảm bảo tính đồng bộ và khả thi của chính sách đề xuất.
“Ở các nước phát triển, loại hình DN này được ủng hộ thành lập, phát triển và đã tạo được những kết quả đáng kể về mục tiêu tài chính, việc làm và bảo vệ, phát triển các giá trị văn hoá, nhân đạo, nhân văn, môi trường cũng như các giá trị xã hội. Vì thế, phải phát triển các hoạt động giao lưu, học hỏi giữa các DNXH của Việt Nam với DNXH các nước thông qua việc thành lập Hiệp hội các DNXH nhằm phát triển và tranh thủ sự ủng hộ của đối tác nước ngoài một cách hiệu quả”, PGS., TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Vị PGS., TS. này cũng chia sẻ thêm rằng, khâu rà soát, đánh giá các hoạt động của loại hình DN này cần được tiến hành chặt chẽ nhằm giảm thiểu tính tự phát, tuỳ tiện cũng như nâng cao sự minh bạch.
Để tạo điều kiện cho DNXH thời gian tới hoạt động tốt hơn, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội các nhà quản trị DN Việt Nam cho rằng: “Điều 10 dự thảo Luật DN sửa đổi chưa hợp lý và thiếu tính khả thi khi quy định sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký…bởi một khi đã quy định như vậy tức là bắt buộc DNXH phải luôn có lãi. Đó là điều không thể có trong thực tiễn. Nếu DN bị lỗ do khách quan hoặc “lỗ giả, lãi thật” thì tiêu chí này không còn ý nghĩa”.
Ngoài ra, ông Vũ Xuân Tiền cũng đề nghị rằng: “Các DNXH phải được hưởng chế độ ưu đãi và khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thay vì các quy định không đủ sức hấp dẫn để có các DNXH đã quy định tại Điều 10”.