Thủ tướng mới có ý nghĩa gì đối với nước Anh?
Trong khi thị trường tài chính reo hò khi bà Theresa May chính thức trở thành tân Thủ tướng, giới chuyên gia lại cảnh báo đó là một phản xạ nhất thời và bất ổn vẫn đang còn ở phía trước.
Hôm nay (ngày 13/7), bà Theresa May chính thức ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng vương quốc Anh. Trong khi thị trường tài chính đang reo hò về chiến thắng của nữ Thủ tướng thứ 2 trong lịch sử, nhiều nhà phân tích lại cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn đang đợi nước Anh ở phía trước bởi sau khi bà May lên cầm quyền và một chính phủ mới được lập ra, bất ổn trong giai đoạn chuyển giao này sẽ càng làm hậu quả của vụ Brexit thêm nặng nề.
Sau đây là con đường sự nghiệp của nữ Thủ tướng Theresa May và những ảnh hưởng của bà đối với nước Anh sau khi bà lên nắm quyền.
Trước khi trở thành Nghị sĩ
Bà Theresa May năm nay 59 tuổi, khá trẻ nếu so sánh với độ tuổi của bà Hillary Clinton. Trước khi trở thành Nghị sĩ, bà May làm việc tại NHTW Anh, sau đó giữ chức trưởng ban châu Âu tại Hiệp hộị thanh khoản thanh toán bù trừ dịch vụ (APACS) và chuyên gia đối ngoại cấp cao.
Năm 1980, bà May kết hôn với Philip May – một nhân viên ngân hàng sau khi 2 người gặp nhau tại tiệc dạ hội của Hiệp hội Đảng Bảo thủ. Lúc đó bà mới chỉ là một cô sinh viên của trường ĐH Oxford.
Bà bắt đầu làm việc tại Hiệp hội Đảng bảo thủ ở địa phương trước khi trở thành thành viên hội đồng của khu tự trị Merton ngoại ô London từ năm 1986 đến năm 1994.
Từ năm 1988 đến năm 1990, bà là chủ tịch ủy ban giáo dục trong Nghị viện, sau đó trở thành Phát ngôn viên từ năm 1986 đến năm 1994.
Từ Nghị sĩ quyền lực đến Bộ trưởng bộ Nội vụ
Tháng 5/1997, bà May được bầu làm Nghị sĩ đại diện cho khu Maidenhead – nơi bà sinh sống và là nhà vận động chính trị đang hoạt động. Chương trình vận động của bà bao gồm cải thiện dịch vụ đường sắt ở địa phương và khu điều dưỡng tại bệnh viện St. Marks Hospital.
Kể từ đó, bà May nhanh chóng trở thành “hiện tượng” trong Đảng bảo thủ và giữ nhiều chức vụ tại Nghị viện. Từ năm 1999 đến 2010, bà là thành viên của Nội các đảng đối lập (nhóm chính trị gia cao cấp trong đảng phái đối lập với đảng đương quyền) trong đó bà phụ trách về mảng giáo dục, lao động và trợ cấp hưu trí. Bà cũng là lãnh đạo nhóm chính trị gia đảng đối lập trong Hạ viện.
Từ năm 2002 đến năm 2003, bà trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Đảng Bảo thủ.
Tháng 5/2010, bà May được cựu Thủ tướng Anh David Cameron bổ nhiệm làm Bộ trưởng bộ Nội vụ đồng thời chịu trách nhiệm về vấn đề phụ nữ và bình đẳng. Với vai trò là Bộ trưởng bộ Nội vụ, bà May định hướng cho chính phủ trao thêm quyền cho cảnh sát để chiến đấu chống lại tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới và giảm lượng dân nhập cư. Bà cũng tích cực bảo vệ nước Anh khỏi khủng bố.
Quan điểm trong sự kiện Brexit
Bà May là nhà vận động ủng hộ phong trào “ở lại”, bà đã thề sẽ hàn gắn những gì đã rạn nứt mà cuộc trưng cầu dân ý ở Anh gây ra. Tuy nhiên, đến giờ phút quyết định bà lại bỏ phiếu cho “ra đi”.
Trong một bài phát biểu sau khi chính thức trở thành lãnh đạo Đảng bảo thủ, bà May tái khẳng định những lời nói trước đó của mình rằng sẽ không có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hoặc bất cứ một nỗ lực cửa sau nào để tham gia vào liên minh châu Âu. Bà cũng đề xuất ra nhiều kế hoạch kinh tế để đối phó với tình hình bất ổn hiện tại.
“Brexit vẫn là Brexit và chúng ta sẽ trở thành người thắng cuộc”. Bà nói.
Ảnh hưởng đến nền kinh tế vương quốc Anh
Thị trường tài chính đã reo hò khi bà Theresa May chính thức trở thành tân Thủ tướng, nhưng giới chuyên gia lại cảnh báo đó là một phản xạ nhất thời và bất ổn vẫn đang còn ở phía trước.
“Bất ổn vẫn sẽ còn tồn tại cho đến khi nào Anh và EU có một đàm phán hoặc một dàn xếp thỏa đáng. Leila Butt – nhà kinh tế trưởng tại Prudential Portfolio Management Group trao đổi với CNBC cho biết. “Chúng ta vẫn chưa thể khẳng định được điều gì chừng nào còn chưa biết chính sách của vị tân nữ Thủ tướng là gì.”
Bà May đã cam kết giảm tiền lương của nhóm lãnh đạo ở các công ty lớn bằng cách lấy ý kiến biểu quyết từ cổ đông thay vì thuê cố vấn, nhằm thu hẹp khoảng cách lương giữa nhóm công nhân lao động và nhóm quản lý. “Chúng ta phải đảm bảo nền kinh tế công bằng cho tất cả mọi người”. Bà May nói.
Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Kallum Pickering – nhà kinh tế cấp cao người Anh tại ngân hàng Berenberg cho biết: “Từ giờ cho đến trước năm 2020, nếu để lựa chọn giữa tiếp tục cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và vay nợ, chúng ta nên chọn phương án thứ 2, vì tăng thuế sẽ ảnh hưởng xấu đến tiêu dùng, việc làm và đầu tư”.
Bà May cũng cho biết sẽ không kêu gọi tổng tuyển cử sớm. Theo lịch, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2020 và chưa chắc là bà May có duy trì Đảng bảo thủ hay không. Nhưng điều cần quan tâm hơn bây giờ là thời hạn kích hoạt Điều 50.
Kallum Pickering nhận định mặc dù bà May trước đó có tuyên bố sẽ không kích hoạt Điều 50 để trì hoãn tiến hành đàm phán rút ra khỏi EU sang năm sau, quyền lực đến với bà sớm hơn mong đợi dẫn tới đồn đoán cho rằng có thể bà sẽ rút tay ra khỏi cuộc hôn nhân này vào cuối năm 2016.
“Đàm phán không chính thức về điều khoản ra đi và các điều khoản thương mại mới sớm nhất có thể thay vì chạm trán trực diện sẽ giúp nền kinh tế hồi phục nhanh hơn vì sẽ hạn chế được các biến cố trên thị trường, do đó rủi ro đầu tư và việc làm có thể được thu nhỏ.” Pickering cho biết.