Hệ lụy hạn chế công ty tài chính cho vay tiền mặt
Nhiều chuyên gia cảnh báo việc hạn chế hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính có thể tác động tiêu cực tời thị trường tài chính tiêu dùng và tạo cơ hội cho tín dụng đen trỗi dậy.
Trong báo cáo phân tích về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đánh giá các công ty tài chính lớn như FE Credit, Home Credit, HD Saison (hiện nắm 88% thị phần) có thể bị ảnh hưởng đáng kể nếu dự thảo thông tư được ban hành.
Khó giảm được rủi ro tín dụng tiêu dùng
Dự thảo sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính hiện đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới chuyên gia. Sở dĩ như vậy là bởi Dự thảo Thông tư này dường như đang đi ngược lại nỗ lực hạn chế tín dụng đen bằng tín dụng chính thống với việc hạn chế hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư chia cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thành 2 loại, trong đó cho vay giải ngân gián tiếp (là sản phẩm tài chính truyền thống tài trợ cho việc mua hàng tiêu dùng) chủ yếu gồm cho vay mua xe máy, mua hàng điện máy, điện thoại… Đối với các khoản cho vay này, công ty tài chính phải giải ngân tiền trực tiếp cho bên bán hàng và không giải ngân cho người vay.
Còn với hình thức giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, công ty tài chính được giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng vay hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư quy định, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này chưa chắc đã đạt được mục tiêu bởi rủi ro trong hoạt động tín dụng liên quan tới khả năng trả nợ của khách hàng chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào hình thức giải ngân. Có chăng với cách giải ngân gián tiếp, các công ty tài chính còn có thể nắm được giấy tờ sở hữu đối với các tài sản lớn như ôtô, xe máy để làm tài sản đảm bảo nếu có rủi ro phát sinh.
Coi chừng lợi bất cập hại
Chẳng những không giảm được rủi ro mà theo các chuyên gia, quy định nói trên có thể ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của các công ty tài chính, qua đó tạo cơ hội cho tín dụng đen phát triển.
TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia tài chính cũng cho rằng, nếu Dự thảo Thông tư nói trên được ban hành, thì các công ty tài chính sẽ bị thu hẹp quy mô hoạt động. Bởi khách hàng mới khó tiếp cận khoản vay, trong khi không phải khách hàng cũ nào cũng được duyệt cho vay vì còn liên quan tới lịch sử trả nợ. "Khi công ty tài chính bị bó buộc kênh giải ngân trực tiếp thì tín dụng đen khó bị đẩy lùi", ông Ánh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính cho biết, để đẩy lùi được tín dụng đen, các TCTD, công ty tài chính phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Nếu người đi vay cần một số tiền gấp, nhưng công ty tài chính bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt thì không thể vay được. Do đó, nhóm khách hàng này có thể sẽ phải tìm đến tín dụng đen để đáp ứng nhu cầu cấp bách.
Phân tích sâu hơn, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, người tiêu dùng thích vay tiền mặt bởi có thể linh hoạt trong mục đích sử dụng. Chẳng hạn nếu vay 40 triệu đồng, người tiêu dùng có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, mà không phải bắt buộc phải mua một hàng hóa nào đó. Hay như vay tiêu dùng để phục vụ nhu cầu hiếu, hỉ…, người đi vay sẽ cần giải ngân trực tiếp, nhưng lại bị giới hạn tỷ lệ giải ngân trực tiếp. Điều đó sẽ đẩy những nhóm đối tượng khách hàng có nhu cầu này tìm đến với tín dụng đen.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, để có thể vừa thúc đẩy hoạt động của các công ty tài chính, vừa đảm bảo an toàn, ổn định thị trường cho vay tiêu dùng, thì nên định hướng cho vay tiêu dùng phát triển theo quy luật của thị trường, có cạnh tranh. Khi đó, người được hưởng lợi sẽ là khách hàng, là công ty tài chính, qua đó đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.